Hello, hôm nay nói gì!

Nói về sự tích học hành “sảng đá” của bản thân nè.

Trước đó, phải kể chuyện các cấp 1, 2, 3 đã nhé!. Phải nói cuộc sống học sinh vô cùng oanh liệt, có giá nhé, chơi quên lối về vẫn cực kì phong độ. Luôn nằm trong top học tốt trong lớp, trước mặt Thầy cô luôn là con ngoan, trò giỏi, trong cuộc chơi bạn bè k thiếu show nào, từ ăn chơi lành mạnh, đến mấy màn bạo lực như trong phim mình đều k ngán nhé. Nhưng được cái tính tình thảo mai, mình chỉ vui chơi lành mạnh nhiều, đánh nhau thì cổ động viên thui nha. À, lớp 5 tui còn đi thi học sinh giỏi địa, sử, văn cơ. Môn nào cũng có giải nhé, nhưng bây giờ chỉ là câu chuyện thôi. Tôi quên sạch rồi. Haha

Cấp một oanh liệt ăn hiếp trai gái, cấp hai lại chơi với nhóm bạn vừa xinh vừa học giỏi, bao thú vui cúp tiết, nhận thưởng, yêu đương, đánh nhau, gì mình cũng vui vẻ chơi hết. Đặc biệt ngày nó oanh liệt chơi với toàn anh, chị máu lửa nên mình hiên ngang lắm, nhưng mình chả ăn hiếp ai đâu, mình chỉ tận dụng chút hư vinh đó mà sống thoải mái hết cấp hai thôi à.

Cấp 3 lại là một loại trải nghiệm vui vẻ kiểu khác, lúc đó sẽ là độ tuổi dậy thì mà, trai trai gái gái xinh lung linh, cứ đi lại quanh mình vậy nè. ” Phê”_ một từ v thôi à. Học hành thì cứ tèn tén ten chơi chơi, k làm bài tập, đến tiết thấy biết làm rồi thì rủ đi ăn hàng, cúp tiết, nhưng cái gì cần mình vẫn phải chỉnh chu nhé, năm nào cũng tèn tén ten giấy khen lãnh đều tay. Ba mẹ tôi ban đầu còn hay quạo, khuyên nhủ các thứ, sau này thấy tôi chả có gì đáng ngại nên cũng vui vẻ theo tôi, gia đình hết sức thoải mái, tôi chả giấu giếm bất cứ điều gì. V nên tôi đây đi học, đi chơi rất oai phong nhé, hihi, nhưng tôi hòa đồng chứ k phải kiểu “ làm màu blink blink “ đâu nha.

Cuộc sống học sinh vô cùng tươi mát, đến kì thi quốc gia, tôi chả có cảm giác lo lắng hay phấn khởi gì các ông ạ. Đơn giản là tôi đây từ bé đến lớn chả yêu thích đặc biệt ai hay cái gì cả. quan điểm của tôi là “chuyện gì phải đến thì đến, bước qua rồi nhìn lại cũng chỉ là một mẫu chuyện thôi”. Chắc vì vậy nên dần không có cảm xúc với bất cứ một thứ gì. Lúc cầm bút đăng kí nguyện vọng, tôi còn xem các bạn tôi học ngành gì thì  tôi học ngành đó cơ. Thứ yêu nhất chắc là tiền . Haha. Ngành nào có nhiều tiền thì vô à. Thậm chí còn thấy học nữa tốn thời gian, ra trường cũng chưa chắc làm đúng ngành, đi kiếm tiền nhanh có tiền, học hành cũng có chắc gì kiếm được việc ngon ấy chứ. Tóm lại tôi đây thực tế.  “Đời k như mơ”- đầu tôi lúc nào cũng v đó, có tiền có quyền, k nhất thiết phải học hành cao sang mới thành công.

Vậy nên lúc đăng kí lười đăng kí mấy ông ạ, đăng kí một nguyện vọng xong nghĩ rớt thì thui haha k quan tâm. Cuối cùng nó rớt thiệt -_-. Ủa????. Rớt xong các bạn thì có trường hết, tôi nghĩ đến việc  học nghề. Nghề gì nè? K yêu thích gì dẫn đến  không tìm hiểu gì, không có thế mạnh gì. Ngu á. Xong dưới sự “quằn quéo “ của ba mẹ tui. Ba mẹ tui tiếc tôi học 12 năm  xong đi làm tay chân đó. Mà điểm tôi chỉ là rớt trường xịn chứ trường “ ít xịn “ hơn vẫn vô tư nhé. Thế là, tui cũng đi học cao đẳng các bác ạ.

Đi học lại chơi tiếp, haha. Bây giờ thì thấy đáng giá rồi các bác ơi. Tôi học kinh doanh thương mại, dù có ngu lắm, bây giờ tui vẫn có thể là ngồi văn phòng gõ chữ kể chuyện, có người trả lương. Haha. Chứ nếu không học, hên thì cũng ngồi văn phòng nhưng có thể k phải ngồi vui vẻ kể chuyện. Xui thì đứng kể chuyện ngoài trời với các bác tạp hóa. Chuyện kể có thể là công việc, làm đẹp vui vẻ nhưng cũng có thể là kể về con tôi chồng tôi, về cuộc sống cũng nên các bác ạ. Má ơi. Thôi tôi phải cảm ơn cuộc đời bẻ lái giúp tôi để tôi ăn học, có thời gian cao đẳng vui vẻ, thú vị. ra trường dù k có được việc mình chuyên ngành cũng sẽ có giá trị và cơ hội hơn để tìm thấy và  phát triển thứ mình thích hơn. Thời buổi nói không cần bằng cấp cao sang, nhưng khi có tấm bằng sẽ tự phát ra nhiều hào quang hơn. Như tiền á mà, nói tiền không là tất cả nhưng nhất định phải có tiền. Haha

À mà tôi trong quá trình lăn xả cao đẳng đã tìm ra được thứ tôi muốn theo rồi, k biết tới đâu chứ cái tấm bằng cao đẳng ít nhất “ độ” cho tôi một cơ hội rồi.

Chốt bài, các bác sau này hãy chăm học một tí đi. Tui hên chứ các bác chắc gì đã hên như tôi nào! K’H.

Cánh cửa đại học, một tương lai rộng mở nhưng cũng trở thành một nỗi lo lớn trong lòng bố mẹ!!!

Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê hay còn được ví là nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi”, một nơi xa xôi cách xa với thị trấn và ở tận trong rừng cao su rộng lớn của tỉnh Bình Phước. Gia đình tôi có 3 anh chị em, tôi là chị cả. Sinh ra trong cảnh nghèo khó đã khiến tôi cảm thấy mình thật tủi thân và nhút nhát hơn so với các bạn cùng trang lứa. Hàng ngày đi học cách xa nhà khoảng 5 đến 6km, vượt qua con đường đồi đất đỏ mà mỗi khi trời mưa là chỉ có đi bộ té lên té xuống. Tôi lớn lên trontg sự vất vả của bố mẹ, mẹ đã phải dậy rất sớm có hôm 1h sáng mẹ đã phải đi làm, tất cả cũng vì miếng cơm manh áo và ước muốn cho con được đến trường. Nhưng lúc này tôi cũng chưa thật sự hiểu thấu được sự vất vả cực nhọc của bố mẹ. Rồi thời gian cứ trôi đi đưa tôi dần rời xa gia đình và đi học xa nhà. 

Ngày tôi học cấp III tôi tạm biệt bố mẹ để ra thị trấn cách nhà 20km để học. Tôi tự lập mọi thứ khi mới 15 tuổi. Mỗi tháng bố mẹ đều đặn gửi tiền cho tôi đi học, mặc dù số tiền ít ỏi nhưng tôi nhận ra đó là cả mồ hôi nước mắt của bố mẹ chắt chiu cho tôi. Tôi thương bố mẹ, với mục tiêu quyết tâm đỗ đại học cho bố mẹ vui mừng. Và cũng vì câu nói các con phải đi học thì bố mẹ mới vui mới an lòng được. Rồi ngày thi đại học tôi lo lắng, cứ nghĩ phải đỗ đại học cho bố mẹ vui mừng.

Ngày có giấy báo đỗ đại học tôi rất vui mừng, nhưng bên cạnh đó tôi thấy được sự lo lắng trên khuôn mặt bố mẹ. Tôi lại có suy nghĩ hay dừng lại đi làm phụ bố mẹ lo cho 2 đứa em nữa. Nhưng bố mẹ luôn động viên tôi phải đi học mới có tương lai con ạ. Tôi đã chọn một trường đại học tầm trung trên Sài Gòn và với quyết tâm đi học rồi đi làm thêm phụ giúp bố mẹ. Những năm tháng đi học tôi nhận ra sự vội vã của dòng người, sự chọn lựa nhân tài trong xã hội là một sự cạnh tranh khá lớn. Kèm theo đó là sự già đi theo năm tháng của bố mẹ, những nếp nhăn trên khuôn mặt 2 người mà tôi thường yêu nhất hiện ra ngày càng nhiều. Tôi tự nhũ với lòng phải thật cố gắng để bố mẹ được vui và không muộn phiền về tôi.

Giờ đây, khi ngồi viết những dòng này thì tôi mới cảm thấy câu nói khi có con mới thấu hiểu tấm lòng bố mẹ thật sự đúng và thật sự không thể tả hết tình yêu thương của bố mẹ dành cho tôi. Mặc dù tôi chưa phụ giúp bố mẹ được nhiều nhưng tôi nhận ra bố mẹ tôi rất vui và hãnh diện về tôi khi tôi trở thành một người tốt và sống tốt trong xã hội. Có lẽ đó cũng là thành công lớn nhất của tôi làm cho bố mẹ.

Giờ đây khi sống xa quê thì tâm hồn tôi luôn suy nghĩ về quê hương tôi luôn thầm cảm ơn nơi tôi sinh ra, vì nơi đó có bố mẹ có những người em mà tôi yêu thương nhất trong cuộc đời. Đặc biệt nơi đó cho tôi một sức mạnh rất lớn để tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Tôi cũng muốn nhắn nhủ đến những người em, những người bạn tốt của tôi dù rằng cuộc sống có khó khăn cỡ nào, có chông gai cỡ nào thì cũng hãy cố gắng trong học tập, hãy biết vươn lên và hãy cố gắng rèn luyện tri thức. Vì tri thức là tài sản quý giá nhất của mỗi người chúng ta và là sự đền đáp bố mẹ xứng đáng nhất.!!! K’N.

Xa nhà, hai từ mà những người Việt ở nước ngoài rất chạnh lòng mỗi khi nhắc đến; lại còn xa nhà vào đúng ngay dịp mà người thân, bạn bè ở Việt Nam đang chuẩn bị đón một cái Tết đầm ấm sum vầy thì quả thật còn gì buồn hơn? Ấy vậy mà bạn tôi, một cô gái nhỏ bé mới 18 tuổi đầu đã phải trải qua cái lần xa nhà cực kỳ, cực kỳ buồn đó.

Hân, cô bạn nhỏ nhắn, xinh xắn và đặc biệt học rất giỏi của tôi, đi du học Mỹ. Năm đó, Hân 18 tuổi. Số là Hân được nhận học bổng của một trường Cao đẳng Cộng đồng ở Mỹ. Với đam mê cháy bỏng là học để hoàn thiện bản thân, để giúp cha mẹ thoát nghèo, tháng 12 năm đó, cô gái ấy lên máy bay một mình sang Mỹ.

Tháng 1 năm sau, Tết đến. Dù còn trong kỳ nghỉ đông dài hạn nhưng do ngoài việc học còn phải làm thêm gia sư rồi làm nhân viên bán thời gian của cửa hàng tiện lợi để trang trải cuộc sống nơi xứ người, Hân không về đón Tết với người nhà. Ngồi trong cửa hàng lúc vắng khách, Hân kể lại lúc đó thấy nhớ nhà, nhớ quê vô cùng. Cứ nghĩ tới giờ này ông và ba thì đang chăm chút cho cây mai trước sân nhà ra hoa đúng ngày mồng Một, bà thì kho thịt, má đang gói bánh tét, Hân lại thấy chạnh lòng.

Tôi nghe Hân tâm sự, bất giác cũng thấy lòng man mác buồn. Tết Ta là dịp nhà nhà, người người sum vầy bên mâm cơm Tất niên, bên nồi bánh Tét, bánh Chưng lửa cháy nghi ngút, Hân lại phải ở nơi xứ người, ngắm nhìn mùa đông lạnh lẽo đang dần trôi qua. Mà đâu chỉ riêng Hân, cũng đang có rất nhiều người Việt xa quê để học tập, mưu sinh, vì nhiều lý do khác nhau, chủ quan có, khách quan có cũng không về quê ăn Tết. Buồn nhỉ? Xót nhỉ?

Lại nói về Hân, may mắn sao, chỉ có cái Tết năm đó Hân phải ăn Tết xa nhà. Do có thành tích học tập xuất sắc, ở chỗ làm lại được ông bà chủ thương yêu như con cái trong nhà nên chỉ sau một năm đón Tết xa quê, Hân có dịp trở về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình. Lúc Hân báo tin chuẩn bị ăn Tết với mình, tôi thấy lòng mình chợt háo hức đến lạ, một niềm vui sướng lạ kỳ. Có lẽ là do quá thương con bạn thân phải vất vả nơi xứ người một năm ròng rã nay đã được về ăn Tết hay chăng?

          Có thể thấy, người Việt Nam ở nước ngoài, vì hết lý do này đến nguyên nhân khác, có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho chính bản thân mình mà không về hưởng cái không khí đón Xuân nô nức ở quê nhà nhưng trong họ, cái hồn dân tc vẫn không hề mất đi. Cái Tết xa nhà tuy có chút chạnh lòng nhưng mỗi khi nghĩ về tương lai, về những thành quả sau những cố gắng không biết mệt mỏi sẽ có ngày được đền đáp, ắt hẳn đó chính là động lực cho họ.

Tết Dương lịch, hay người Việt Nam mình còn gọi là “Tết Tây”, là ngày đầu tiên của một năm tính theo Dương lịch. Tại đa số các quốc gia trên thế giới, người dân đều tất bật đón “Tết Tây” từ tận giữa tháng 12, kéo dài đến dịp lễ Noel tới ngày đầu tiên của năm mới. Hiện nay chỉ còn vài nước như Trung Quốc, Việt Nam, Singapore,... là ăn “Tết Ta”, tức ăn Tết theo lịch Âm dương. Đã có nhiều ý kiến bàn luận về việc có nên gộp “Tết Ta” với “Tết Tây” hay không? Theo quan điểm của bản thân tôi, đây là một chuyện tưởng dễ mà không dễ.

Đầu tiên, không biết gộp Tết lại sẽ ra sao nhưng có một vài đặc trưng khó gộp giữa “Ta” và “Tây”. Người Việt Nam ta cúng tổ tiên thì thắp hương, Tây đốt nến. Người Việt có ngày giỗ, ngày rằm, Tây không biết. Người Việt chơi Tết bằng gốc đào, gốc mai, Tây lại trang trí cây thông, treo tầm gửi trước cửa nhà. Chỉ với với vài ví dụ về khác biệt văn hóa nêu trên, liên tưởng đến chuyện gộp “Tết Ta” với “Tết Tây”, quả là không dễ dàng.

Thứ hai, “Tết Ta” truyền thống lâu nay của người Việt, cũng giống như người phương Tây có Lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh,.. Đó cũng là truyền thống của họ vậy. Tại sao không giữ riêng cho mình sự khác biệt mà lại phải gồng mình chạy theo họ? Trong khi đó, rõ ràng, truyền thống là cái cần được giữ gìn, phát huy và nhân rộng cho mọi người đều biết?!!! Một cái khó nữa...

Tiếp nữa, “Tết Ta” giúp thu hút du lịch, dịch vụ và kích cầu kinh tế. Điều này được thể hiện quá rõ ràng với những chỉ tiêu kích cầu đều tăng trưởng nhanh chóng dịp Tết Âm lịch. Không chỉ người Việt Nam ta mong Tết, mà người nước ngoài cũng tới Việt Nam để hưởng cái không khí rộn ràng đón mùa xuân mới mà có thể tại đất nước của họ, không khí không được tưng bừng đến vậy. Như vậy, hiển nhiên, lượng du khách sẽ tăng và các ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải... sẽ kiếm được khá nhiều thu nhập. Nếu gộp “Tết Ta” vói “Tết Tây”, thì liệu những điều kể trên có thể xảy ra?!!! Thêm một cái khó nữa...

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng việc nghỉ “Tết Ta” gây “ảnh hưởng không ít đến công việc, năng suất cũng như đóng góp cho đất nước mình. Nếu chúng ta gộp Tết sẽ loại bỏ hết những điều vướng mắc đó giúp đất nước phát triển hơn.”  Điều này theo tôi điều này đúng nhưng chưa đủ. Hiện nay trên thế giới còn rất nhiều nước như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan,... vẫn ăn Tết Âm lịch, nhưng kinh tế nước họ vẫn phát triển đó thôi. Nhật Bản giàu mạnh không phải là vì lý do đó mà họ có tác phong và năng suất lao động cực kỳ lớn. Singapore, một quốc gia cũng ở Đông Nam Á giống Việt Nam vẫn có cực kỳ nhiều ngày nghỉ lễ Tết nhưng họ vẫn là một quốc gia giàu tiềm lực kinh tế, vẫn giao thương bình thường với quốc gia khác.

Thứ tư, chính cái cách mà người Việt chúng ta đón Tết, ăn Tết mới thực sự đáng quan tâm, chứ không hẳn là nên hay không nên, dễ hay không dễ để gộp “Tết Ta” với “Tết Tây”. Với tư tưởng “Tết mà” , những tệ nạn như rượu chè, bài bạc phi pháp, tai nạn giao thông xảy ra đặc biệt nhiều và nghiêm trọng hơn những thời điểm khác trong năm. Nếu gộp “Tết Ta” và “Tết Tây” thì “Tết Tây” cũng sẽ biến thành nỗi ám ảnh tương tự của xã hội. Nên việc gộp vào không giải quyết được vấn đề. Lại thêm một cái khó nữa...

Nói tóm lại, việc gộp “Tết Tây” và “Tết Ta” quả thực không dễ dàng. Theo tôi, giữ “Tết Ta” chính là giữ nét văn hóa truyền thống ngàn đời của người Việt mình, truyền thống mất đi rồi thì sẽ không tìm lại được. Nhưng giữ “Tết Ta” đồng nghĩa cũng phải mạnh tay loại bỏ dần những tệ nạn thường xuyên xảy ra trong dịp này, và cái đầu tiên cần phải thay đổi chính là nhận thức của mỗi người Việt chúng ta. Chúng ta “hòa nhập” chứ đừng nên “hòa tan”. -THỦY TIÊN-

Khi vạn vật, muôn loài đang dằn mình hứng chịu những cái nắng gắt gao thì mọi thứ sẽ trở nên êm đềm, mát mẻ hơn khi vị thần mùa Đông đến gõ cửa. Khi không khí bắt đầu chớm se lạnh là một dấu hiệu nho nhỏ cho một mùa Giáng sinh sắp đến. Cứ mỗi khi đến ngày này, lòng tôi lại nôn nao khó tả. Có lẽ tôi là người theo đạo Công giáo, nhưng cũng có lẽ một phần là do ngày Noel đang dần trở nên là một ngày lễ cho tất cả mọi người trên toàn thế giới.  

Mỗi mùa Giáng sinh đến, tâm trạng mệt mỏi sau mỗi giờ tan làm dường như tan biến bởi không khí nhộn nhịp khắp các con đường. Những shop quần áo, những nhà hàng, đặc biệt là những khu vui chơi cho trẻ em đều trang hoàng một “chiếc áo mới” khiến mọi thứ trở nên thật ấm áp. Chưa hết, tiếng đùa vui của lũ trẻ trong xóm khi được bố mẹ sắm cho chiếc nón hay bộ đồ ông già Noel khiến tâm hồn tôi trở nên thao thức lạ thường. Không biết tự khi nào mà ngày lễ Noel không chỉ là ngày lễ của riêng người theo đạo nữa mà tôi có cảm giác như đây là một ngày lễ dành cho tất cả mọi người. Bạn gái thì xúng xính áo hoa, bạn nam thì quần áo chỉnh tề, cùng nhau đổ xô ra đường như đi trẩy hội.  

Những ngày trước khi đêm lễ diễn ra và trước khi tiếng chuông nhà thờ vang vọng, mọi người – những đứa con của Chúa tất thảy đều loay hoay, tất bật soạn sửa cho mọi điều tươm tất, trang trí đèn hoa, hang đá, cây thông sặc sỡ sắc màu và phát những bản thánh ca,… tất cả đều cho một mùa vọng và hướng đến một đêm Giáng sinh an lành và hạnh phúc.

Trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày khoảng thời gian lắng đọng nhất đó là khi màn đêm buông xuống. Sau một ngày làm việc căng thẳng, nhộn nhịp, xô bồ với cuộc sống mưu sinh, đêm về là lúc ta nhìn lại mình, nhớ lại những gì của ban ngày tất bật, để một chút chiêm nghiệm ngắn ngủi trên đường đời. Tuy nhiên, đêm Giáng sinh của gia đình tôi thì âu lo, muộn phiền của cuộc sống được để qua một bên, tâm trạng vui mừng cùng nhau đến nhà thờ tham dự Thánh lễ đêm Giáng sinh.

Cứ mỗi mùa Noel đến thì Mẹ lại may thêm cho Ngoại một bộ áo dài thật đẹp. Ngoại tôi luôn là người đến nhà thờ sớm nhất trong nhà, thậm chí Ngoại đã đi khi chuông giáo đường chưa đổ báo hiệu giờ lễ sắp đến. Mỗi năm vẫn thế và không chỉ gia đình tôi, mà cả những giáo dân khác cũng xem đây như là một tục lệ hàng năm. Sau Tết cổ truyền của dân tộc thì có lẽ Noel là ngày lễ thứ hai trong năm, là dịp để người thân trong nhà đoàn tụ, cùng nhau đến nhà thờ, cùng nhau ngồi chung mâm cơm để kể về những gì mọi người đã trải qua trong cuộc sống để mà cùng nhau cố gắng, cùng nhau sống đời, sống đạo tốt hơn.

Năm nay, không khí đang bắt đầu chuyển mình se lạnh. Không phải tự nhiên mà người ta lại mong chờ một điều gì đó sẽ đến, Giáng sinh cũng thế, tất cả những người con xóm đạo họ mong ngóng đến Giáng sinh không chỉ bởi được chiêm ngưỡng những hoa đèn lấp lánh tuyệt sắc hay một lý do nào khác mà có lẽ khi đứng trước thánh đường, khi hình ảnh Thiên Chúa hiện ra rạng ngời, khi tiếng chuông nhà thờ ngân vang và các thiên thần nhỏ cùng cất cao tiếng hát báo tin Chúa được sinh ra đời – ngay trong giờ phút ấy họ - tôi đã cảm nhận được ý nghĩa trong ngày Giáng sinh. H.HẢI.

Đất nước ta là một trong những quốc gia có nền văn hóa lâu đời, sở hữu nhiều lễ hội mang bản sắc dân tộc nhưng bên cạnh đó cũng có những ngày lễ du nhập của nước ngoài, nhất là từ phương Tây như Tết Dương lịch.

Ngày đầu năm mới đã có từ lâu và biến đổi qua nhiều thiên kỷ theo lịch sử tiến hóa của loài người. Nó bắt đầu từ thời cổ đại, và tồn tại cùng với dòng chảy văn minh, lần đầu tiên hình như đã hơn bốn ngàn năm tại Babylone (hiện thuộc nước Iraq).

Thuở nguyên thuỷ, lúc kinh-tế dựa trên canh nông, người ta thường đánh dấu năm mới vào đầu mùa xuân, lúc vạn vật bắt đầu sống lại và người nông dân bắt đầu gieo hạt đầu mùa. Dần dần, năm mới được "đồng hoá" vào ngày 1 tháng 1 đầu năm trong tất cả các loại lịch (âm-lịch hay dương-lịch).

Khác với dân tộc ta, hầu hết các quốc gia sử dụng lịch Gregorius cũng như lịch De facto, Tết Dương lịch có thể coi là ngày lễ chung lớn nhất. Ở phương Tây, ý nghĩa ngày tết dương lịch là dịp để mọi người quây quần, tụ họp cùng nhau đón chào năm mới. Họ có nhiều cách chào đón khác nhau nhưng đều chung một ý nghĩa là thể hiện sự biết ơn một năm đã qua và hi vọng vào một năm tiếp theo gặp nhiều may mắn, an lành.

Với nền kinh tế hội nhập như ngày nay thì tết Tây đã vô hình chung trở thành quốc lễ của nước ta và tất nhiên là, vào ngày lễ này, tất cả mọi doanh nghiệp trên cả nước cũng đều “xả stress” và mọi người cùng nhau đón chào một năm mới theo đúng nghĩa. Tết Tây đã dần trở nên phổ biến với nền văn hóa Việt nhưng ắt hẳn là một số người trong chúng ta vẫn chưa biết rằng Tết Dương lịch có ở Việt Nam từ bao giờ?

Tại Việt Nam, Tết Dương lịch được áp dụng từ thời Pháp thuộc, khi lịch Tây bắt đầu được sử dụng trong công việc hành chính. Các công sở lúc đó được nghỉ những ngày này để tổ chức lễ hội đón năm mới. Ngày nay, Tết Dương lịch đã được Việt hóa và trở thành một ngày lễ của toàn dân, cùng với tết âm lịch truyền thống.

Mặc dù có khá nhiều sự khác nhau giữa hai nền văn hóa Tết Tây - Tết Ta nhưng chung quy lại, đây là những dịp lễ lớn trong năm để người con đất Việt có cơ hội được trở về với cội nguồn, với gia đình của mình, và sau cùng là có dịp để được nghỉ ngơi sau một năm dài đằng đẵng với nhịp sống xô bồ, nhộn nhịp.

Hội nhập văn hóa nhưng không “hòa tan”, tết Cổ truyền vẫn còn đó, vẫn như là một nền văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Tuy nhiên, tết Tây cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt, việc làm của đất nước ta. Dẫu là Tết Tây hay Tết Ta, thì người con đất Việt vẫn luôn mong chờ đến những ngày này để được sum họp, được vui chơi, và cùng nhau đón chào một năm mới với nhiều điều tốt đẹp, phải không nào?

Dù ở bất cứ đâu, năm mới vẫn là dịp để vui mừng với những ngày lễ kéo dài bất tận. Ngày nay, khi hầu hết các quốc gia sử dụng lịch Gregorius cũng như lịch De facto, Tết Dương lịch có thể coi là ngày lễ chung lớn nhất. Tết Dương lịch, hay Tết Tây - là một ngày lễ diễn ra vào ngày 1 tháng 1, ngày đầu tiên trong năm theo lịch Gregorius cũng như lịch Julius, là dịp lễ quan trọng trong năm của nhiều dân tộc và nền văn hóa trên thế giới. Hệ thống này do Giáo hoàng Gregory XIII đưa ra và được toàn thế giới sử dụng cho đến ngày nay.

Ngày 1 tháng 1 đại diện cho sự khởi đầu của một năm mới sau khoảng thời gian hồi tưởng về năm cũ, bao gồm trên radio, truyền hình và sách báo, bắt đầu vào đầu tháng 12 ở một số quốc gia trên thế giới. Theo truyền thống ngày này là một ngày lễ tôn giáo, nhưng kể từ thập niên 1900 đã trở thành một dịp để kỉ niệm ngày 31 tháng 12, gọi là giao thừa. Có lễ bắn pháo hoa vào nửa đêm khi năm mới đến. Dịch vụ khóa lễ đêm giao thừa cũng được nhiều người sử dụng.

Anh quốc luôn là một trong những nước nổi trội nhất của nền văn hóa phương Tây. Họ sở hữu truyền thống lâu đời và những phong tục tập quán vô cùng thú vị. Giống như quan niệm người Việt, trong ngày đầu năm mới, người Anh cũng rất coi trọng tục xông nhà. Họ quan niệm rằng nếu người đầu tiên bước vào nhà là người có tóc vàng hay đỏ, hoặc là một phụ nữ sẽ mang lại những điều xui xẻo. Nên chọn một người có tóc đen, chưa vợ, mang theo tiền hoặc một mẩu  than để xông nhà. Họ cho rằng, than và tiền tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn và hạnh phúc. Nên chúng được xem như món quà đầu năm giúp gia chủ có một năm may mắn, đầy hứa hẹn. Người Anh cũng có một phong tục khá thú vị trong ngày đầu năm là “đốt bụi cây”. Theo họ, việc này sẽ xóa bỏ những sự kiện trong quá khứ để bắt đầu một năm mới tốt hơn có nhiều niềm vui trọn vẹn. Lễ hội đón năm mới của nước Anh luôn tràn ngập sắc màu. Bởi đây chính là lễ hội quan trọng nhất đối với họ. Có những cuộc diễu hành dọc các con đường, qua những trung tâm mua sắm, quảng trường lớn. Mọi người sẽ dừng lại, hát vang những bài ca truyền thống đón chào năm mới. Sau đó là những bữa tiệc linh đình, những chai sâm panh, pháo hoa và những điệu nhảy bất tận. Tất cả hòa cùng nhau, tạo nên một bức tranh đón năm mới vô cùng đặc sắc. Trong ngày đầu năm, mọi người cũng thường mời nhau những thức uống nóng, ấm áp và đầy mùi vị. Do nước Anh rất lạnh, nên điều này thật sự cần thiết. Đồ uống thường được sử dụng là các loại trà hoa. Hương thơm của hoa quả, mùi vị nồng nàn của trà cho cảm giác năm mới ngập tràn trong huyết quản.

Hiện tại Tết Dương lịch đã được Việt hóa và trở thành một ngày lễ truyền thống. Ngày này được nhà nước cho phép nghỉ ngơi và tổ chức nhiều lễ hội liên quan. Đây cũng là một dịp để mọi người có thể đi chơi, thăm hỏi, gặp gỡ nhau hoặc tổ chức đi du lịch... Nhằm giúp người lao động Việt có thêm thời gian nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động đã có ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất bổ sung thêm 1 ngày nghỉ vào Tết Dương lịch.

Như vậy có thể thấy, không những người Việt mà người phương Tây đón Tết cũng rất tưng bừng. Với họ, năm mới cũng là một dịp để vui chơi, sum họp và cùng nhau ngẫm lại những điều đã qua. Những giờ phút thiêng liêng ấy, chính là điều quý báu nhất của mỗi con người.

          Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là một dịp vô cùng quan trọng. Nó không chỉ là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà Tết còn chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng sâu sắc, độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc. Do đó, con người luôn kỳ vọng, gửi gắm những hy vọng, những điều tốt đẹp nhất về một tương lai may mắn, đầy ắp hạnh phúc trong dịp Tết đến Xuân về.

          Tết mang đậm nét văn hóa dân tộc nên nó có những tục lệ quan trọng mà hầu như mọi người đều không bỏ qua vào ngày Tết.

          Đầu tiên là “Cúng giao thừa – Đi lễ đầu năm”. Giao thừa là thời khắc chuyển giao quan trọng giữa năm mới và năm cũ. Đây là lúc đất trời giao thoa, âm dương hòa quyện. Nó giúp vạn vật bừng lên một sức sống tươi mới, vô cùng mãnh liệt để cùng chào đón năm mới. Theo phong tục của chúng ta, giao thừa nhà nhà cần làm lễ cúng ngoài trời song song với lễ cúng trong nhà. Từ đó, cảm ơn thần linh, thổ địa và cha ông. Việc cúng lễ giao thừa sẽ giúp mang tài lộc về với tất cả gia đình. Còn các gia đình Thiên Chúa Giáo thì sẽ đi lễ đầu năm, nhìn lại 1 năm cũ đã qua với những thành công và hoài bão. Cùng cầu xin cho 1 năm mới hạnh phúc và bình an. Tiếp đến là tục lệ “Tặng quà năm mới” – đây cũng là một tục lệ vô cùng quan trọng của người Việt Nam. Bởi năm mới là dịp hiếm hoi mọi người có thể gặp gỡ, ngồi lại bên nhau. Lúc này, một món quà có thể gửi gắm những tình cảm và tốt đẹp nhất cho người được nhận quà. Với các công ty, doanh nghiệp, việc tặng quà càng thêm quan trọng. Nó góp phần quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp đến với nhiều người hơn. Đồng thời, tri ân người lao động, khách hàng, đối tác của mình theo cách tuyệt vời nhất. Một tục lệ cũng không thể thiếu nữa đó là “Đưa ông Táo về trời”. Ông Táo là thần bếp, hay Táo Quân, gồm hai ông, một bà, có trách nhiệm theo dõi mọi việc xảy ra trong gia đình rồi trình báo cho Trời. Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, nhà nào cũng thu dọn nhà cửa, bếp núc sạch sẽ rồi làm lễ cúng tiễn ông Táo lên trời, nhờ ông báo cáo những điều tốt đẹp để một năm mới bình an và may mắn. Ngoài ra, còn có một tục lệ đã làm nên nét văn hóa đặc trưng cần giữ gìn của người Việt đó là tục lệ “Xông nhà vào dịp Tết”. Theo quan niệm truyền thống của người Á Đông thì ngày mùng 1 của năm sẽ có những ảnh hưởng lớn đến các ngày còn lại. Nếu ngày mùng 1 mọi chuyện suôn sẻ thì người ta tin rằng cả năm sẽ được an lành, nhiều điều may mắn, vạn sự như ý. Sau thời điểm giao thừa thì người nào bước vào nhà đầu tiên cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất. Thông thường gia chủ sẽ có ý định mời người nào đó xông đất cho nhà mình. Người được mời xông đất sẽ được gia chủ dựa vào sức khỏe, đức tài, sự thành đạt…để dự đoán vận hạn của gia đình mình trong năm. Người đến xông đất thường đem theo những phong bao lì xì để mừng tuổi trẻ con, người già và chúc mừng năm mới đến toàn thể gia đình. Sau đó, người xông đất sẽ được gia chủ chúc mừng năm mới và ngồi chơi nói chuyện chỉ khoảng 5 đến 10 phút rồi xin cáo từ chứ không nên ở lại lâu. Đặc biệt, có một tục lệ mà hầu như tất cả trẻ em đều thích đó là “Mừng tuổi”. Đây là tục đưa phong bao đỏ bên trong có tiền mới cho trẻ em. Việc mừng tuổi cũng có thể dành cho những người cao tuổi, có vai vế cao trong gia đình. Việc làm này có mục đích là xua đuổi tà ma. Đồng thời, cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong dịp năm mới cho người già và trẻ em. Người già thì mong được trường thọ, khỏe mạnh, còn trẻ em nhận lời chúc sẽ thông minh, lớn nhanh, học hành tấn tới hơn.

          Bên cạnh những tục lệ đặc trưng, thì mâm cỗ những ngày Tết cũng cần phải được chuẩn bị vô cùng thịnh soạn, đầy đủ. Không chỉ thể hiện cho sự no ấm, hạnh phúc mà còn mong ước có một năm mới đầy đủ và phát đạt. Ở nước ta, mỗi vùng miền lại có một mâm cỗ ngày Tết mang nét đặc trưng khác nhau. Chính vì vậy đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực ngày Tết phong phú và đa dạng chỉ có tại Việt Nam. Bánh chưng là món đã có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Do đó trong mâm cỗ ngày Tết của người miền bắc[A2]  sẽ không thể thiếu món ăn này. Bánh tượng trưng cho mặt đất, được dùng để thể hiện lòng biết ơn của hoàng tử Lang Liêu với Vua Hùng đời thứ 16 và đất trời. Sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo, đậu ngọt bùi, tiêu cay nhẹ và thịt mỡ béo ngậy đã tạo nên một hương vị ngày Tết không thể lẫn vào đâu được, một thứ bánh ngon tròn vị. Cái khung cảnh ngồi đợi nồi bánh chưng chín đã đi vào tiềm thức của người dân miền Bắc mỗi khi Tết đến. Ở miền Bắc người dân đón xuân bằng cành hoa đào, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành. Còn ở miền Trung cũng náo nức đón xuân với cành mai vàng, bánh tét, thịt giấm, nem chua,… Bánh tét có ý nghĩa là sự hội tụ của đất và trời, một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Trung. Nếu miền Bắc có bánh chưng được gói bằng lá dong thì bánh tét miền Trung gói bằng lá chuối. Mặc dù giống nhau về nguyên liệu nhưng bánh tét được gói lại thành từng đòn hình trụ. Nhờ sự đơn giản của bánh mà người ăn có thể cảm nhận rõ rệt vị ngon của từng nguyên liệu bên trong, vô cùng ngon và hấp dẫn. Một món ăn nữa không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung đó chính là tôm chua, đặc sản của Huế. Vị ngọt bùi của tôm, béo ngậy của thịt, vị cay và thơm của riềng, tỏi ớt, vị chua của khế, chát của vả, hương của các loại rau thơm,… Tất cả tạo nên một “bản hòa tấu hương vị” hấp dẫn khiến bất kì ai ăn qua một lần sẽ phải nhớ mãi. Nam Bộ là vùng có nền kinh tế phát triển và đa văn hóa, chính vì vậy mà nền ẩm thực ở đây có sự du nhập, pha trộn từ nhiều nơi. Trong vô số các món ăn ngon tại Sài Gòn thì món ăn Tết truyền thống nổi tiếng nhất đối với người dân miền Nam có lẽ chính là thịt kho nước dừa. Hay còn gọi với cái tên khác là thịt kho riệu, thịt kho hột vịt. Những ngày giáp Tết, bên cạnh công việc nấu bánh tét thì các hộ gia đình nam bộ còn hay chuẩn bị một nồi thị kho nước dừa to để ăn vào những ngày này. Thịt kho hột vịt trông rất hấp dẫn, dễ ăn và rất ngon miệng. Điều đặc biệt ở miền Nam khác hoàn toàn với miền Trung đó chính là củ kiệu không ăn cùng với bánh tét, mà thường ăn kèm tôm khô thành một món riêng. Củ kiệu được ngâm chua ngọt, khi ăn kèm tôm khô thì rắc thêm miếng đường cát sẽ khiến cho món ăn có đủ vị giòn, dai, hăng, mặn, ngọt để cánh mày râu nhâm nhi ngon lành thú vị. Với mỗi gia đình miền Nam thì món canh khổ qua nhồi thịt là một món ăn thường ngày quen thuộc. Và nó cũng được sử dụng trong những ngày Tết với ý nghĩa đẩy lùi những khó khăn đi qua. Một trong những món phổ biến ở miền Nam mà bất kì ai cũng biết đến đó là món lạp xưởng. Cứ mỗi khi Tết, nhu cầu tìm mua lạc xưởng không thể thiếu trong mâm cơm người dân Nam bộ. Với rất nhiều loại lạp xưởng từ tươi, khô, nạc, tôm, cá…

          Người ta thường đùa nhau rằng “Tết là ngày toàn dân lao động dọn dẹp nhà cửa”. Vì theo quan niệm người xưa, việc trang trí, dọn dẹp nhà cửa sạch đẹp, hợp phong thủy đón Tết cũng sẽ giúp gia chủ có một năm mới may mắn, tài lộc dồi dào. Trong những ngày này, nhiều đồ trang trí được người dân chuẩn bị, bày biện để trang hoàng cho ngôi nhà của mình. Hoa đào vẫn thường là lựa chọn số 1 của nhiều gia đình khi chọn mua cây cảnh trưng Tết, nhất là với người dân miền Bắc. Theo quan niệm, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân. Còn tại miền Trung và miền Nam, sắc vàng của những cành mai hay cây mai lại phổ biến hơn trong ngày Tết Nguyên đán. Màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang, màu vàng còn tượng trưng cho vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống. Bên cạnh mai, đào thì cây quất cũng thường được trang trí tại phòng khách mỗi gia đình trong ngày Tết. Cây quất với lộc xanh mơn mởn, hoa trắng lốm đốm, quả chín vàng ươm, tròn trịa, sum suê tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy, viên mãn. Ngoài ra còn có các loài hoa thờ cúng như hoa vạn thọ, cúc, lay ơn, hoa huệ…

          Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng đủ đầy nên việc ăn uống trong ngày Tết hiện đã không còn quá quan trọng. Nếu như xưa kia, cả năm chỉ đợi đến ngày Tết để được ăn miếng bánh tét, thịt lợn, gà... thì nay bánh tét được bán quanh năm ngoài chợ, thịt cá là những thức ăn hàng ngày. Do đó, đây không còn là những món ăn đặc biệt, cơ bản trong ngày Tết nữa. Nhiều gia đình vẫn duy trì việc gói bánh tét nhưng chỉ là để vui, để cho có không khí ngày Tết. Việc chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống... đều có sẵn, chỉ dành ra một, hai buổi là có thể sắm đủ. Thậm chí, không cần ra chợ, chỉ vài cú click chuột hay đôi cuộc điện thoại đặt hàng, mọi hàng hóa đều đến tay. Tết nay, bên cạnh xu hướng về quê đón Tết của những người xa xứ, còn có xu hướng đi du lịch của những gia đình hiện đại. Nếu như trước đây, Tết là cơ hội để cho mọi người được ăn ngon mặc đẹp, thì nay, người ta dành thời gian nghỉ Tết cho việc vui chơi giải trí, thăm thú bạn bè hay đi du lịch...

          Tết nguyên đán  âm lịch 2020 là Tết Canh Tý. Theo quan niệm dân gian, Canh Tý tức là năm con chuột. Con chuột đứng đầu trong 12 con giáp. Những người sinh vào năm 2020 là người thực tế, thông minh. Đặc biệt, đây cũng là những người có sự thực tế trong cuộc sống nhất khi so với ngũ hành. Những đứa trẻ sinh vào năm 2020 sẽ có tư chất thông minh. Khi lớn, việc làm của chúng đều được lên kế hoạch rõ ràng và đạt kết quả cao.

          Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của người Việt; là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, đủ đầy, như: ăn ngon, mặc đẹp, nói điều hay, chúc nhau “vạn sự như ý”, “phát lộc phát tài”… Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để cả nhà sum vầy, quây quần bên nhau, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc.

“Tết Trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường…”. Khi bạn nghe được câu hát đó thì nghĩa là sắp đến Trung Thu rồi đấy.

Trung Thu rơi vào ngày Rằm của tháng Tám âm lịch. Từ trước đó cả tháng, những quầy bánh Trung Thu đã được bày biện thật bắt mắt trên những con phố, trong những tiệm bánh. Cứ mỗi lần nhìn thấy những quầy bánh đó là biết Trung thu đã sắp tới rồi. Người ta thường nói vui với nhau bánh Trung thu là thứ bánh mình được nhận nhiều hơn mình tự mua. Cũng đúng nhỉ, hình như chẳng có năm nào mà gia đình tôi không được biếu vài ba hộp bánh Trung thu cả. Người ta tặng bánh Trung thu nhằm mục đích gắn kết mối thâm tình, giao hảo. Mỗi chiếc bánh với đầy đủ loại nhân, ngọt có, mặn có, thể hiện cái tình mà người mua hay người làm ra nó muốn gửi tới người tặng. Cùng nhau ăn bánh, thưởng trà và ngắm trăng. Ôi, còn gì tuyệt vời hơn.

Đó là Trung thu của người lớn, còn Trung thu của trẻ con thì lại khác hẳn. Trung thu của chúng là được cùng rước đèn với hội bạn trong xóm, là cùng nhau phá cỗ đêm trăng. Chúng đi tới đâu là những câu hát “Tết Trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường…” vang lên tới đó. Những chiếc lồng đèn bằng giấy bóng trên tay bọn trẻ cùng đi từ khu này sang khu khác với ánh nến lung linh. Hình ảnh đó chắc hẳn gợi cho người lớn chúng ta chợt nhớ về Trung thu ngày xưa của mình. Giờ đây, ngoài lồng đèn bằng giấy bóng kính, bọn trẻ lại có thêm lồng đèn điện tử, nhấn nút thôi là đã có những âm thanh vui nhộn được phát ra, nghe thật vui tai. Trước hoặc sau khi rước đèn, những mâm cỗ với rất nhiều bánh kẹo và hoa quả cũng được người lớn bày biện sẵn để bọn trẻ có thể phá cỗ đêm trăng cùng nhau.

Trung thu không chỉ là dịp mọi người trong gia đình quây quần cùng nhau, bọn trẻ thì được phá cỗ và rước đèn. Giờ đây, Trung thu còn là dịp để chúng ta sẻ chia với những mảnh đời cơ cực, khó khăn. Đêm rằm ở những khu xóm trọ nghèo và tăm tối, nơi phòng bệnh đầy mùi hóa chất bỗng dưng rộn ràng hẳn nhờ những nhà hảo tâm, những bạn trẻ đầy nhiệt huyết tới chung vui Trung thu với những người có hoàn cảnh kém may mắn.

Dù cho có cách thưởng thức đêm Rằm tháng Tám khác nhau nhưng Trung thu luôn là dịp mọi người được quây quần cùng nhau vui chơi và trò chuyện dưới ánh trăng sáng và tròn vành vạnh. Có thể giờ đây Trung thu với mọi người chỉ còn là những ký ức đẹp của tuổi thơ bên ông bà, cha mẹ hay bạn bè nhưng chắc chắn đó sẽ là những ký ức khó quên nhất. Cuộc sống bận rộn và quay cuồng với cơm, áo, gạo, tiền khiến người lớn khi thấy những quầy bánh Trung thu hai bên đường hay bọn trẻ vui vẻ cùng nhau xách đèn đi phá cỗ mới chợt nhận ra: “Trung thu tới rồi đấy!”

- Thủy Tiên -

Lại một mùa trung thu nữa sắp sửa đến, đi ngoài đường đã thấy đầy những cửa tiệm bán bánh trung thu, nào là Kinh Đô, nào là Đồng Khánh rồi Như Lan, đủ các thương hiệu trên đời. Tết trung thu ngày nay, thời công nghệ 4.0 hầu như chỉ là dịp để trẻ em được thưởng thức bánh trung thu, chụp checkin Facebook các kiểu chứ không giống như trung thu ngày xưa. Cái thời mà còn “cởi truồng tắm mưa”, còn cả tháng nữa mới tới trung thu mà con nít trong xóm đã lo hú hí lôi kéo nhau đi chặt trúc, chặt tre để làm lồng đèn. Làm lồng đèn tay vậy chứ cũng khá là công phu, nào là chuốt trúc, chặt sao cho đều, rồi canh khoảng cách, chiều dài sao cho ngôi sao nó đẹp, lựa chọn màu giấy kiếng sao cho lồng đèn sáng nhất xóm, dù cực nhưng thật sự rất vui. Không chỉ lồng đèn ngôi sao, mà còn có lồng đèn ngôi nhà, chiếc thuyền, đặc biệt là chiếc đèn “Xe đẩy” được làm từ những lon sữa Ông Thọ, đục rất nhiều lỗ. Đây là chiếc đèn mà không có cửa hiệu nào bán và có thể nói con nít bây giờ không biết sự tồn tại của Lồng đèn xe đẩy này. Sau khi làm ra được tác phẩm của mình, tất cả trẻ em trong xóm sẽ mang chúng lại nhà bác trưởng ấp, bác tổ chức cuộc thi xem ai làm lồng đèn đẹp nhất, to nhất và cháy sáng nhất sẽ được thưởng một cái bánh trung thu kèm với vài bịch snack. Phần cuối cùng của cuộc thi là tất cả trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp xóm dưới ánh trăng to, đó là cái thời mà đèn đường chưa có, đường trong xóm là những con đường đất đỏ, trời tối nhưng lại sáng rực vì “đoàn quân diễu hành” trong xóm. Vừa đi vừa hát, thực sự rất vui. Còn nói về bánh trung thu, mỗi năm trường mẹ sẽ tặng mẹ một hộp bánh Kinh Đô có 4 cái bánh, và nhà chia ra 2 team: team chỉ ăn bánh nhân đậu xanh và team còn lại cân bánh thập cẩm. Đó là những ngày tết trung thu đáng nhớ nhất, bắt đầu lên cấp 2, thời gian học nhiều hơn và những ngày tết trung thu chỉ còn ý nghĩa là được ăn bánh trung thu vì toàn đi học thêm, không có thời gian chuẩn bị lồng đèn hay là rước đèn nữa. Kể từ lúc đó tôi cũng không trông chờ lắm vào ngày trung thu. Tết trung thu hiện nay đi ra đường toàn là những cửa hàng bán lồng đèn điện tử, vẫn còn một số người chơi lồng đèn giấy nhưng rất ít. Những chiếc lồng đèn điện tử chỉ cần bật công tắc là sáng trưng như đèn điện rồi còn hát ngân nga vài giai điệu. Nhìn có vẻ thích thích nhưng sao bằng những chiếc đèn thô sơ ngày xưa nhỉ?

Thú thật là, từ nhỏ đến giờ, tôi chỉ biết khái niệm “Tết Trung Thu’ là ngày tết dành cho trẻ em chứ không thực sự mong chờ hay thích thú như bao đứa trẻ khác. Trong tâm trí tôi, tết Trung Thu đến là khi tôi cùng những đứa trẻ khác cùng nhau tụ tập tại điểm sinh hoạt văn hóa phường. Cùng nhau xếp hàng nhận quà, bánh và lồng đèn từ các anh chị phụ trách. Tại thời điểm đó, một chiếc lồng đèn làm bằng giấy kiếng đỏ thật quý giá biết bao. Những chiếc lồng đèn với đủ thứ hình hài được tạo nên từ những bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân đã đem lại sự háo hức cho lũ trẻ chúng tôi. Tôi còn nhớ như in Trung Thu năm đó tôi học lớp 2, ẵm em trên tay cùng đi rước đèn theo lũ bạn. Tiếng cười khúc khích của đứa trẻ vừa tròn 1 tuổi khiến tôi phấn khích vừa ẵm em trên tay vừa đùa giỡn. Thật không may tôi trượt tay và làm em té xuống đất. Về nhà, bị mẹ mắng một trận vì không trông nom em kĩ càng. Cũng từ đó, khái niệm “Tết Trung Thu” của tôi không còn nữa. Nếu còn, cũng chỉ là vì trông em trai nên mới cùng tham gia rước đèn cùng các bạn.

Mặt khác, từ nhỏ, tôi đã có tật ngại đám đông, chính vì thế mà mỗi dịp ngày lễ đến, nhất là Tết Trung Thu, tôi thường chỉ đi cho có lệ. Cũng chính bởi sự rụt rè đó mà có lẽ, một phần tuổi thơ của tôi đã không được trọn vẹn. Tuy nhiên, đó cũng là kí ức tuyệt đẹp không thể nào quên.

Ngày nay, khi xã hội phát triển, những chiếc lồng đèn làm bằng giấy kiếng đỏ đã dần được thay thế bằng giấy màu lụa, hay hiện đại hơn là lồng đèn bằng pin có đèn nhấp nháy và cả nhạc nữa. Nhìn lũ trẻ trong xóm hớn hở, háo hức mong chờ Tết Trung Thu đến mà lòng tôi lại xao xuyến đến lạ. Mặc dù kí ức về Tết Trung Thu trong tôi chỉ là vài mảnh ghép vỡ vụn, nhưng những nụ cười giòn tan của đám trẻ lại bất chợt khiến tôi cũng trở nên háo hức, mong chờ.

Một mùa Tết Trung Thu nữa lại về, năm nay tôi cũng hi vọng được ngồi cùng ăn chiếc bánh Trung Thu đậu xanh, thêm một chút vị đắng của nước chè cùng ba mẹ và em trai, cùng hàn thuyên tâm sự những chuyện vui buồn như mọi năm. Khi không còn là cô chị vụng về năm nào, tôi đã thôi không còn ao ước được chơi lồng đèn, hay được phát quà gì nữa. Điều mong mỏi lớn nhất của tôi là tết Trung Thu năm nay và cả những năm về sau nữa, tôi đều được đoàn tụ cùng gia đình.

Tuổi thơ chúng ta không ai là không có những ký ức đẹp đẽ xen lẫn với những sự buồn bã ngây thơ của tuổi học trò. Không những có mà còn có rất nhiều nữa là khác. Tôi cũng đã trải qua một tuổi thơ như bao nhiêu người khác, và cũng có những kỷ niệm không dễ quên đi được. Tôi đã được sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Cà Mau. Cà Mau nơi được mệnh danh là vùng sông ngòi chằng chịt. Mà thật đúng như đều đó, nơi tôi sống, bước ra là thấy sông rồi, hay chỉ cách một dãy đất thôi là thấy sông nữa rồi, thật không phỉ danh là vùng sông nước. Chắc có lẽ nhờ vào điều đó mà mấy đứa trẻ quê tôi, đứa nào cũng biết bơi hết.

Tôi nhớ về những chiều anh chị em tôi cũng hay bơi lội trong ao đầm nhà mình. Và lại những chiều chơi nhà chòi cạnh bờ ao nữa. Nói đến việc chơi nhà chòi tôi mới nhớ, ấy là trò chơi mà tôi đã cảm thấy thật thích và thật vui khi tôi còn nhỏ. Thật vậy, tôi đã rất háo hức mỗi khi chuẩn bị đi lấy lá dừa hay dây để xây và cất lên một cái nhà chòi. Nhà chòi thì làm không lớn lắm đâu nhưng cũng có thể đủ cho ba bốn người ngồi lại với nhau bên trong ngôi nhà ấy. Mà vị trí chúng tôi lựa chọn để dựng nền móng ấy thường  là một vị trí gần bên một gốc cây,cạnh bên một cái ao nhỏ, để chúng tôi còn có thể giả nấu ăn, giả làm bánh, giả sinh hoạt như một gia đình đang sinh hoạt vậy. Giờ nhớ lại thấy cũng thật lý thú thay.

Mà vì sao tôi lại thích chơi nhà chòi trong vô số những trò chơi như vậy chứ? Chắc có lẽ là do một chuyến sang nhà hàng xóm, lúc ấy tôi nhớ không lầm thì tôi chỉ độ bảy tám tuổi gì đó. Tôi đã thấy mấy đứa trẻ khác đang xây cho chúng một cái nhà chòi. Tôi rất muốn được tham gia nhưng đã không được sự cho phép, nên chỉ có thể đứng nhìn mà thôi. Khi ấy thì lòng thật buồn thay, nhưng rồi cũng đành phải chấp nhận đi về. Từ đó về sau, hể nơi nào có xây nhà chòi là tôi lại chạy đến, dù là có được tham gia hay không được tham gia.

Hình ảnh những cái nhà chòi lúc tuổi thơ ấy, lâu lâu lại được hiện về trong tâm trí của tôi, để rồi khi lớn lên tôi cũng đã từng có suy nghĩ rằng, tôi sẽ xây dựng cho mình một khu phức hợp thật đẹp đẽ và thật nên thơ, có đầy đủ hết mọi không gian cần thiết, ví dụ như bể bơi, khu vườn đầy những cây xanh, phòng làm việc… và mọi cái khác. Nghe cứ như là tất thảy điều nằm trong bàn tay vậy. Thật là kỳ diệu thay những gì đang diễn ra trong trí não của chúng ta, chẳng phải vậy sao?