Trong cuộc đời mỗi người, ngoài cha mẹ, thì thầy cô là những người ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của một người. Không phải tự nhiên mà nước ta lại dành riêng ngày hai mươi tháng mười một hằng năm để làm ngày hiến chương ghi nhớ công ơn của thầy cô giáo. Cuộc đời mỗi người, người may mắn thì sẽ gặp một người thầy ảnh hưởng sâu sắc đến mình, tôi cũng có được may mắn ấy. Người thầy này không dạy ở trường mà chỉ là thầy dạy thêm toán của tôi. Ở lớp, tôi gọi là thầy, ở nhà tôi gọi là chú. Thầy là em ruột ba tôi, thầy mở lớp dạy thêm cấp hai, từ ngày bắt đầu cấp hai, tôi đã được tiếp xúc với môn toán thông qua người thầy đặc biệt này. Ngày vào lớp sáu, chương trình khá mới lạ với học trò vừa hết cấp một như tôi. Thầy đã dạy tôi cách tư duy vấn đề một cách lô gic, dạy tôi từ cơ bản đến nâng cao. Tôi đã bắt đầu yêu toán từ đấy. Tôi không còn xem bài tập toán là nỗi ám ảnh như trước mà xem chúng như những trò chơi tìm đáp số. Mỗi lần giải được một bài toán hay tìm được một cách giải hay, lòng tôi vui sướng tột cùng. Thầy tôi là người vui tính. Mỗi giờ học, khi thấy không khí mệt mỏi hay chùng xuống, thầy hay kể những câu chuyện hài hước. Mỗi câu chuyện tiếu lâm thầy kể làm lớp bật cười, xóa đi không khí căng thẳng. Tôi nhớ như in những lúc gần thi học sinh giỏi thầy ôn cho tôi mà thức khuya cùng tôi. Thầy tận tình chỉ bảo tôi, tôi lắng nghe chăm chú, miệt mài trên những trang giáo án. Những con số, những hình tam giác, hình chữ nhật trở thành một phần trong thời học sinh của tôi. Ngày thi lớp 10, khi biết tôi đậu thủ khoa, với môn toán gần như tuyệt đối, thầy như là người vui nhất khi đứa trò nhỏ, đứa cháu nhỏ cũng thành công sau những ngày miệt mài chăm chỉ đèn sách. Ngoài giờ dạy, thầy thích chăm sóc cây cảnh và nuôi chim cảnh, cá cảnh. Thiết nghĩ nếu không là thầy giáo, thầy có thể trở thành một người làm vườn chuyên nghiệp. Nhìn vào khu vườn với biết bao cây cảnh được tỉa gọn gàng, những chú chim hót líu lo, những đàn cá bơi tung tăng dưới hồ, tôi thấy thầy tôi thật giỏi giang. Bao thế hệ học trò lớn lên, giờ đây đã trở thành những người thành đạt, mấy ai nhớ đến người thầy năm xưa vẫn tận tụy với nghề giáo. Tôi hay hỏi thăm thầy về nghề và những câu chuyện nghề giáo. Thời nay, thế hệ học trò đã có nhiều thay đổi, hệ thống giáo dục cũng có nhiều sự đổi thay. Thầy băn khoăn lo lắng cho một nền giáo dục còn non trẻ hay thay đổi, cho những đứa học trò giờ cũng khác xưa. Thời nay, có quá nhiều thứ tác động đến chúng, ảnh hưởng của nền văn hóa ngoại nhập làm cho những giá trị truyền thống bị lu mờ. Thầy không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy tôi cách làm người. Nghề giáo thì mấy ai giàu có về vật chất mà chỉ giàu có về tinh thần. Niềm tự hào và tài sản lớn nhất mà thầy nhận được đó là sự thành công của mỗi lứa học trò. Ông bà xưa có câu: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Người thầy này dù không dạy tôi ở trường nhưng dạy tôi biết bao điều hay trong suốt khoảng thời gian trung học cơ sở. Toán học cũng vì thế mà đối với tôi dễ dàng, lãng mạn chứ không khô khan như ngày trước. Từ những gì thầy dạy, tôi học được cách tư duy lô gic, để sau này khi gặp những bài toán nan giải của cuộc đời, tôi không còn quá bỡ ngỡ mà biết tự tìm ra một đáp án phù hợp nhất. Tôi giờ đã trưởng thành, bước trên đường đời nhiều chông gai, nhưng tôi vẫn nhớ về thầy với những niềm biết ơn sâu sắc, nhất là trong mùa tri ân này. PVy.