Có thể nói rằng chúng ta là những người may mắn nhất khi đã được sinh ra trong thời đại này. Có thể nói là trong tất thảy các lĩnh vực ngày nay đều là những kinh nghiệm được đúc kết từ thế hệ đi trước. Cho nên đối với các bạn trẻ mới ra trường như chúng ta thì cũng đã có sẵn biết bao nhiêu bài học hu ích và giá trị để học hỏi trên con đường lập nghiệp rồi, chẳng phải vậy sao?

Giờ đây khi chúng ta chịu khó tìm hiểu và học hỏi thì có thể tiếp thu được nhiều kinh nghiệm ở bất cứ nơi đâu cũng được. Chúng ta chỉ cần vào một nhà sách mua một cun sách là có thể lấy về cho mình hết thảy kinh nghiệm mà người khác đã phải dùng cả đời mình để đúc kết ra. Ví dụ như: Nghĩ Giàu Và Làm Giàu, Bí Quyết Tư Duy Triệu Phú, Bí Quyết Gây Dựng Cơ Nghiệp Bạc Tỷ, Bí Quyết Tay Trắng Thành Triệu Phú… và vô số nhng cuốn sách nổi tiếng khác nữa.

Hoặc bạn chỉ cần lên kho sách nói là đã có thể nghe vô số kinh nghiệm của các nhà tỷ phú rồi.

Tiện lợi lắm đúng không ạ? Hết thảy mọi sự vấp ngã ban đầu như thế nào? Bạn phải giải quyết ra làm sao? Làm sao để duy trì và làm cho công ty hoặc doanh nghiệp của bạn được lâu bền đây? Câu tr lời đều đã có hết.

Tuy nhiên, tất cả những bài học ấy không phải ai cũng có thể học được. Nghĩa là những kinh nghiệm ấy không phải ai cũng vận dụng được. Cho nên trên thực tế chúng ta thấy rằng cũng đã có không ít những doanh nghiệp không tồn tại nổi vì những lý do thật giống nhau và đã được dạy dỗ thông qua những quyển sách của các nhà tỷ phú hoặc triệu phú ấy.

Vậy còn chúng ta thì sao? Đã học được bao nhiêu? Tôi nhớ có một kinh nghiệm mà tôi đã được biết; ấy là một công ty hoặc một doanh nghiệp muốn tồn tại theo thời gian thì công ty hoặc doanh nghiệp ấy phải không ngừng thay đi. Ý tưởng ban đầu là như vậy nhưng ý tưởng đó phải được phát triển và đổi mới không ngừng, vì xung quanh có vô vàn những đối thủ nặng cân mà chúng ta không thể lơ là. Phải có sự bứt phá liên tục cho từng sản phẩm của mình. Vì mọi thứ sẽ thay đổi theo thời gian, nếu bạn không nghiên cứu và tìm tòi để mang lại sản phẩm đúng với yêu cầu của từng khách hàng theo từng thời đại thì chắc chắn kế hoạch kinh doanh của bạn sẽ bị phá sản.

Khởi nghiệp là cả một quá trình, không chỉ ngày một ngày hai. Để quá trình ấy được liên tục và thành công trong kế hoạch kinh doanh của mình thì còn phải cần trau dồi rất nhiều thứ. Gương của người đi trước thật sự rất hu ích. Hãy học hỏi và rút ra được bài học cho riêng mình để không phải vấp ngã một cách khó nhọc trên con đường xây dựng sự nghiệp của chính mình. Bên cạnh học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, bạn cũng cần phải tự vận động kiến thức cho riêng mình. Có như thế thì bạn mới đứng vững được trên chính đôi chân của mình.

Trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng không ít lần gặp nhiều khó khăn. Nhưng động lực để chúng ta có thể bước tiếp ấy là sự xuất hiện của những người bạn bên cạnh chúng ta.

Năm học 11, tôi đã từng quen một cô bạn nhỏ. Mái tóc dài thướt tha và làn da rám nắng. Đôi mắt to đen và đặc biệt là chiếc răng khểnh thật dễ thương. Dáng người thon thả xinh xắn thu hút ánh nhìn của mọi người, nhưng tính tình của bạn ấy lại trầm lặng và đầy nội tâm nên ít nói chuyện với ai.

Buổi trưa tôi không về nhà nhưng thường ở lại trường ăn trưa,bạn ấy cũng ở lại nên có dịp cùng nhau ngh ngơi. Về lâu dần đã trở nên bạn thân của nhau, rồi cùng nhau trò chuyện và giúp nhau học những bài không hiểu, mỗi buổi như vậy. So với các bạn cùng lớp, bạn ấy học chậm hơn nên đã cố gắng kiên trì và nỗ lực ngày đêm cho đợt thi cuối kì. Mặc dù đã cố gắng hết sức cho kỳ thi cuối kỳ nhưng kết quả lại không như mong đợi. Bạn ấy bị thi lại còn tôi thì an toàn. Tôi thấy rất buồn và hối tiếc thật nhiều nhưng bạn ấy thì ngược lại. Với khuôn mặt đầy hy vọng và quyết tâm mà nói rằng “Còn một cơ hội nữa vì mình còn được thi lại, nên hãy cố gắng cho đến cuối cùng”. Tôi đã nhìn thấy nghị lực của bạn ấy nên đã quyết định trong một tháng rưỡi phải ôn thi cùng nhau.

Tại nhà bạn ấy, dù ngày mưa hay nắng, tôi cùng bạn làm bài tập, học từng công thức, giải từng bài toán… Và việc hai đứa thức đến 11, 12h đêm là chuyện thường ngày. Có khi xe đạp tôi bị hư, bạn ấy đã chạy đến tận nhà để học cùng. Tôi biết rằng đằng sau dáng người mảnh mai ấy là nghị lực rất phi thường. Kết thúc đợt thi đã xuất hiện những con số 6 điểm, 7 điểm…Cả hai cùng vỡ òa trong nước mắt vui mừng. Bạn ấy đã được lên lớp và học lớp 12 cùng tôi.

Các bạn biết không? Nếu mỗi ngày thật nghiêm túc gom góp từng kiến thức đã bị hỏng hầu cho lấp đầy bằng việc rèn luyện miệt mài sẽ giúp cho chúng ta có kết quả tốt đẹp mà chúng ta không hề tưởng tượng nổi.

Tôi thật biết ơn vì đã được học cùng bạn ấy suốt khoảng thời gian dù ngắn nhưng đủ để cho chúng tôi thân thiết nhau hơn và tình bạn trở nên bền chặt hơn. Không những vậy mà tôi còn có thể ôn lại những kiến thức đã bị hỏng trước đó mà tôi không biết. Thông qua bạn, tôi có thể học được rằng hãy tin vào bản thân, hãy nỗ lực hết mình và nắm từng cơ hội đang được dành cho chúng ta. Tôi biết rằng tôi không một mình trên con đường học vấn mà còn có những người bạn đồng hành và hỗ trợ tôi.

Vinh  quang của ngày mai chỉ đến với những người chăm chỉ và chiến thắng thử thách nên tôi thật mong chờ và tự tin bước tiếp trên tương lai phía trước.

      Từ thời xa xưa, ông bà ta đã có truyền thống yêu nước, đánh giặc chống lại quân địch xâm lăng từ phương Bắc để giữ yên bờ cõi đất nước. Đến thời ông bà hay ba mẹ chúng ta thì truyền thống ấy tiếp tục được phát huy để chống lại giặc phương Tây và Bác Hồ, Đảng, các anh hùng dân tộc đã giúp đất nước Việt Nam ta bước đến giải phóng khỏi ách nô lệ, đi đến tương lai tươi sáng và sống một cuộc đời tự do, ấm no cho toàn dân tộc. Đến ngày hôm nay, sau khi đất nước được giải phóng thì người ta bắt đầu chú trọng vào việc phát triển nhân tài cho Tổ quốc, do đó có rất nhiều tấm gương học tập, vượt khó vươn lên được rất nhiều nể phục. Và ở quê tôi cũng thế, có một tấm gương vươn lên trên mọi nỗi đau từ bệnh tật, nỗi vất vả từ cuộc sống để từng bước vươn lên và thành công trong sự nghiệp của người con trai ấy, em ấy mang tên Nguyễn Quốc Sang.

Nguyễn Quốc Sang là một người con trong một vùng quê nghèo của Quảng Ngãi, em ấy nhỏ hơn tôi 2 tuổi nhưng nói về nghị lực và ý chí phi thường thì có lẽ em hơn hẳn chính tôi nhiều. Em sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác trong một gia đình nghèo, ba mẹ làm nông thuần. Nhưng cuộc đời em là những chuỗi ngày đầy bất hạnh, khi lên 3 tuổi em bị một cơn sốt kinh hoàng khiến mọi người đặc biệt là chính ba mẹ em đầy lo lắng và sợ hãi cho số phận em. Sau cơn bạo bệnh ấy, chân bên phải của em bị rút teo lại và phát triển chậm khiến em không thể đi lại bình thường như bao bạn bè trang lứa khác, mà em phải đi cà thọt, chân cao chân thấp và nghiêng người một bên để bước đi không bị ngã. Nhìn thấy đứa con trai đầu lòng của chính mình rứt ruột đẻ ra đi đứng khó khăn như vậy, ba mẹ Sang hết sức đau lòng và họ đành ngậm ngùi chấp nhận số phận cho đứa con trai kém may mắn ấy. Vì không có tiền chạy chữa cho em, nên từ lúc bước vào lớp một đến lúc tốt nghiệp cấp ba, Sang đều đi cà thọt, chân cao chân thấp như vậy. Nhìn em như thế, mọi người ai cũng đều thương xót cho em và ba mẹ của em, nhưng cuộc đời đã không quật ngã được ý chí của em. Hằng ngày em vẫn đều chăn trâu, chăn bò ngoài ruộng, ngoài vườn cho ba mẹ, em phụ mẹ đi chợ nấu ăn cho một cô em gái bé bỏng ở nhà từ lúc em học cấp hai. Em từng kể nhiều khi đi học, em tự ti lắm vì thấy bạn bè ai ai cũng đều đi lại bình thường, chỉ có mỗi mình em là bất thường mà thôi, đôi khi em còn bị bạn bè  chọc về đôi chân khập khiễng ấy khiến em cảm thấy vô cùng tổn thương. Tôi nghe mà chạnh lòng, nhưng số phận đã không đánh gục được người con trai ấy, trong suốt những năm học từ lớp một đến lớp mười hai, em đều được học sinh giỏi, xuất sắc của lớp, của trường.

Những năm học cấp ba, Sang ngoài là học sinh của lớp chuyên, thì em còn là một học sinh xuất sắc của nhà trường, của tỉnh Quảng Ngãi và là học sinh giỏi Quốc gia qua những thành tích đáng nể mà em đạt được sau những kì thi học sinh giỏi đầu ngành. Một chàng trai nhỏ con, chân đi khập khiễng đã không biết bao lần đứng trên chiếc bục danh dự được chính tay Hiệu trưởng trao tặng những tấm Bằng khen, những số tiền học bổng em nhận được và cả những món quà ý nghĩa từ những nhà hảo tâm đến từ khắp nơi. Đó như là một món quà ban tặng em với một hình hài không lành lặn như bao người. Nhìn thấy như vậy, chúng ta mới biết được nghị lực vươn lên trong học tập của em mạnh mẽ đến nhường nào. Tôi rất khâm phục em, em đã từng nói với tôi, em muốn học ngành Bác sĩ để sau này có thể cứu chữa cho những bệnh nhân nghèo như gia đình em lúc nhỏ, em muốn làm việc ổn định để lo cho đứa em gái và cả ba mẹ em lúc về già. Tôi nghe mà ứa nước mắt, cậu sinh viên năm ấy giờ đây cũng đã và đang theo học Bác sĩ tại Đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh, đúng với niềm mơ ước của em. Mọi người trong vùng, ai cũng tấm tắc khen em và yêu mến em vì tinh thần ham học vượt qua số phận nghiệt ngã của cuộc đời trong em rất mãnh liệt.

Giờ đây, chàng trai Nguyễn Quốc Sang năm ấy đã khôn lớn và trưởng thành rất nhiều, em nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những mạnh thường quân, và cuối cùng may mắn đã mỉm cười với em khi em được tài trợ chương trình phẩu thuật chỉnh hình tại chính trường Đại học mà em đang học, để giúp đôi chân của em đi đứng được bình thường hơn, không còn đi khập khiễng như ngày nào nữa. Chúng tôi ai cũng rất vui vì điều đó. Chúc em đạt được những ước mơ và hoài bão trong suốt con đường em đi. Với tôi và tất cả mọi người, em luôn là một tấm gương sáng ngời để chúng tôi noi theo và học tập từ em – người đã truyền động lực cho biết bao thế hệ mai sau. T.Dung

      Trong “Đại Nam nhất thống chí”, khi chép về tỉnh Thanh Hóa, ở mục “Nhân vật chí”, đã trân trọng mà lược qua tiểu sử, công nghiệp của vị tiến sĩ họ Nguyễn. Theo đó, ông “người xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên” (nay thuộc thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), “làm quan tới chức Thượng thư hai bộ Binh và Hình”.

Ấy, để có được quyền cao chức trọng cực phẩm trong thời Lê Trung Hưng, quan họ Nguyễn đã phải vượt khó gấp mấy lần người thường mới thành được danh nghiệp chứ chẳng “xuôi chèo mát mái” mà đi lên đâu.

Cơm cháy “sôi kinh nấu sử”

Theo sách “Kẻ chăn trâu kỳ dị” ghi chép về các bậc khoa bảng xứ Thanh, thì truyền rằng, Nguyễn Quán Nho mồ côi cha từ thuở còn thơ ấu. Hai mẹ con đùm bọc lấy nhau, gia cảnh rất ư bần hàn, phải lấy việc mò cua, bắt ốc, đan thừng làm kế mưu sinh.

Dân gian ta quan niệm, trẻ nhà khó thường khôn sớm, ứng vào trường hợp Nguyễn Quán Nho, hẳn đúng. Ấy là khi Quán Nho được 5, 6 tuổi, dù tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng bởi nhà nghèo, nên cậu đã biết đỡ đần mẹ. Có lần vào mùa đông lạnh giá, trong nhà không còn hạt gạo nào để nấu cơm, hai mẹ con lại không đi làm được, cậu bé Nho liền sang nhà hàng xóm mượn nồi về nấu cơm, nhưng nhà còn hạt gạo nào đâu để bếp lửa có thể hồng.

Kỳ thực, Nho mượn nồi để vét lại những hạt cơm cháy thừa dưới đáy nồi cho hai mẹ con cầm cự qua cơn đói. Việc mượn nồi thỉnh thoảng diễn ra như thế, nhưng lạ nỗi là khi Nho trả nồi thì bao giờ chiếc nồi cũng sạch như chùi. Dần dà hàng xóm hiểu chuyện, thương gia cảnh mẹ con chú bé nghèo khó nên nhiều người khi cho mượn nồi cố tình để lại nhiều cơm cháy cho hai mẹ con. Sau này, dân trong vùng còn gọi ông với cái tên “chàng Cháy” là bởi thế.

Dẫu chỉ được bữa đói, bữa no, nhưng chú bé họ Nguyễn lại có chí ham học, thấy bạn bè đi học cũng muốn theo. Ngặt nỗi, nhà nghèo không có tiền thuê thầy dạy huống hồ nói đến việc có sách, bút nghiên mà luyện chữ. Bởi vậy, nhân khi mẹ đi làm thuê cho nhà giàu, Nho theo mẹ, áp tai vào vách nghe thầy giảng bài cho con chủ, lại lấy que củi vạch chữ lên nền đất theo thầy. Nhờ thông minh, lại chăm chỉ luyện rèn, Quán Nho dần quen với chữ thánh hiền.

Cách học của cậu, cũng thật kỳ khôi và sáng tạo. Bút không có, giấy cũng không, cậu dùng gai viết lên các khúc thân xương rồng, rồi sau viết trên lá chuối đóng thành xếp, nhưng lá chuối héo chữ cũng nhăn nheo không đọc được. Thế là Quán Nho viết lên các tàu lá chuối tươi khắp vườn nhà. Nhờ tinh thần ham học ấy, cậu học trò nghèo sôi kinh nấu sử không thôi.

Rồi kẻ có công, trời chẳng phụ...Khoa thi năm Đinh Mùi (1667) đời vua Lê Huyền Tông, cậu học trò lấy lá chuối làm vở, lấy que củi làm bút thuở xưa chiếm ngôi nhất bảng (khoa ấy không có tam khôi). Khi ấy, Nguyễn Quán Nho tròn 31 xuân, đúng tuổi “tam thập nhi lập”.

Danh thơm được bia đá Văn Miếu, trong “Lê triều tiến sĩ đề danh bi ký”, nơi “Văn bia đề tên tấn sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị thứ 5 (1667)”, tên ông rạng rỡ đầu tiên “Nguyễn Quán Nho, người xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên; đỗ năm 31 tuổi”. Đỗ đạt từ đất nghèo Thiệu Hóa (khi ấy là huyện Thụy Nguyên), danh thơm họ Nguyễn xứng với lời ngợi ca trong “Thanh Hóa quan phong” về học phong của xứ này:

“Năm chương bút trận từ lâm,

Văn đua tài cả tên nhằm bảng cao”.

Hiếu đễ với mẹ

Bảng vàng ghi danh, Nguyễn Quán Nho được vua ban cho áo mão cân đai, vinh quy bái tổ về làng. Theo lệ khi xưa, địa phương nơi có người đỗ tiến sĩ, nào sắp kiệu rước, nào làm lễ khao, bởi thế mà hàng tổng hàng huyện tấp nập kiệu cáng, cờ quạt nghênh rước ông tân tiến sĩ làm rạng danh cho làng, cho tổng.

Lúc này, mẹ Nguyễn Quán Nho biết con đã hiển vinh nhưng vẫn bình thản ra ao làng vớt bèo về nuôi lợn. Viên chức làng Vạn Hà cho người mời bà về dự lễ rước quan trạng cùng dân, nhưng bà từ chối mà rằng: “- Thi đỗ là việc của nó, sao lại phải đón rước, tôi còn đang bận vớt bèo!”

Người đi mời về kể lại, quan nghè Nguyễn Quán Nho biết mẹ dù vui, nhưng hẳn không muốn ông vì mới thấy vinh hoa phú quý đã quên nghèo khó, liền vội rời khỏi võng điều, cởi áo gấm, mũ mão cùng đôi hia, xắn quần chạy ra ao làng lội xuống vớt bèo cùng mẹ cho đến khi đầy rổ rồi mới cùng về làng dự tiệc. Từ giai thoại vớt bèo ấy, mà sau này nơi đất Thiệu Hóa còn truyền câu: “Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy”, ấy chính là nói về giai thoại gắn với Nguyễn Quán Nho vậy.

Sau khi làm lễ vinh quy bái tổ, Nguyễn Quán Nho được triều đình bổ đi làm quan ở Ninh Bình, công việc chốn công đường phải giải quyết nhiều khiến ông chưa về thăm mẹ được. Nghĩ năm hết Tết đến, ông gom góp tiền lương bổng của mình, sắm cho mẹ già chiếc áo lụa rồi sai lính đem về dâng mẹ.

Mẹ ông giở ra thấy tấm áo cả đời khó nhọc bà chưa từng được mặc, nhưng bà tỏ ra không vui bởi tưởng tấm áo có được từ đồng tiền không lương thiện, bèn nghiêm nét mặt mà bảo: “- Bổng lộc của quan là máu mỡ của dân hay sao?”

Nói xong, chẳng lưỡng lự, bà đốt luôn tấm áo lụa quý con trai gửi, rồi gói nắm tro tàn đưa cho lính gửi lại quan nghè. Mở gói quà chỉ còn nắm tro, Nguyễn Quán Nho hiểu thâm ý của mẹ già rằng làm quan phải sống thanh liêm, không được bòn rút đục khoét của dân lành. Vốn xuất thân từ nghèo khó, quan họ Nguyễn suốt đời thực hiện đúng như lời mẹ dặn, luôn vì ích nước, lợi dân.

“Tể tướng Vạn Hà, thiên hạ âu ca”

Nhận xét về thời trị vì của vua Lê Hy Tông, sử gia Phan Huy Chú cho rằng “Trong khoảng Vĩnh Trị và Chính Hòa, trên dưới bình yên, trong ngoài vô sự. Người cầm quyền chính đại khái lấy sự ung dung làm đức độ, sự chín chắn làm thể thống, như các ông: Nguyễn Mậu Tài ở Kim Sơn, Nguyễn Quán Nho ở Vãn Hà và Nguyễn Quý Đức ở Thiên Mỗ đều có lòng khoan hậu, được xứng chức; thực là đáng lương thần đời trị”.

Hai chữ “lương thần” dành cho quan Nguyễn Quán Nho, thực chẳng ngoa ngôn. Cứ xem những việc làm của ông khi đương chức, thật xứng là tấm gương soi cho những kẻ tôi thần của vua chúa.

Đời làm quan của Nguyễn Quán Nho kinh qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau, nhưng nhất nhất đều tỏ được sự ngay thẳng, thanh bạch. Năm Giáp Tý (1684), ông làm Phó đô ngự sử thuộc Ngự sử đài, giữ nhiệm vụ can gián vua, đàn hặc quan lại làm sai phép nước.

Đến năm Tân Mùi (1691), ông làm Tả thị lang bộ Lại, rồi như ghi chép trong “Đại Việt sử ký tục biên”, ông được thăng Đô ngự sử năm Nhâm Thân (1692), năm sau làm Thượng thư bộ Binh rồi cùng làm Thượng thư bộ Hình với Lê Hy. Sau này vào năm Nhâm Ngọ (1702), ông còn làm Thượng thư bộ Lễ.

Dẫu giữ chức vụ cao, làm tể tướng trong triều, nhưng tính tình ông được khen là giản dị, việc gì cũng không giấu giếm. Giữ chức cao là vậy nhưng ông sống thanh bạch để lại tiếng tốt cho đời, được nhân dân ca tụng là “Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca”. Có lần về quê thấy dân đang làm đường, đắp đê sông Chu, ông cho voi và quân lính ra phụ dân, người Vạn Hà xúc động ngâm nga:

“Ai về làng Vạn mà coi.

Coi ông quan Thượng cho voi làm đường”.

Trong triều, có ông Lê Hy, cũng đồng hương với ông, hai người cùng làm tể tướng. Nhưng tính ông Lê Hy hà khắc, hay đố kị, trong khi ấy, tính ông thương dân, khoan hòa, nhân hậu nên làm quan ở đâu dân tin, dân quý ở đấy. Bởi vậy mà theo “Lịch triều hiến chương loại chí”, người thời bấy giờ mới có câu rằng:

“Thượng thư Lê Hy, thiên hạ sầu bi; Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca”. Năm Đinh Hợi (1707), ông về hưu khi tuổi tròn 70. Sang năm Mậu Tý (1708) ông mất, dân quê khóc thương mãi không thôi “Chàng về Vạn Vạc chàng ơi/Con chàng bỏ đói ai nuôi cho chàng”. Còn trong “Đại Nam quốc sử diễn ca” ghi nhận thành quả làm quan của vị danh thần xứ Thanh:

“Bởi ai thiên hạ âu ca.

Chẳng quan Tham tụng Vạn Hà là chi”.

Sưu tầm từ Baophapluat.vn

      Nguyễn Nghiêu Tư đỗ trạng nguyên khoa thi Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa 6 (1448), đời vua Lê Nhân Tông. Bằng tài năng của mình, ông khiến nhà Minh nể phục khi đi sứ.

Theo sử liệu và tư liệu của thôn Hiền Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư (chưa rõ năm sinh, năm mất) có tên húy là Nguyễn Trư, hiệu là Tùng Khê, người thôn Minh Lương, nay là thôn Hiền Lương, xã Phù Lương, huyện Quế Võ.

Ông là người thông minh sáng dạ, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi làm thuê cho nhà giàu ở thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du. Tại đây, ông được tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên (làm quan triều Lê sơ) quý mến nên đón về nuôi dạy.

Không phụ công nuôi dạy của thầy, Nguyễn Nghiêu Tư đỗ trạng nguyên khoa thi Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa 6 (1448), đời vua Lê Nhân Tông.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tương truyền lúc nhỏ, Nguyễn Nghiêu Tư có cha làm nghề thịt lợn, lại đẻ vào tháng 10, tức tháng Hợi, nên thường gọi là "cậu Lợn".

Trong kỳ thi đình, vua thân ra đề văn sách, hỏi về lễ nhạc, hình, chính, Nguyễn Nghiêu Tư đỗ trạng nguyên, Trịnh Thiết Trường đỗ bảng nhãn, Chu Thiêm Uy đỗ thám hoa lang. Với những đóng góp to lớn, ông được gọi bằng cái tên trìu mến: "Trạng Lợn".

Chuyện kể rằng năm 1459, ông được giao đi sứ sang nhà Minh. Khi vào yết kiến, vua Minh muốn thử tài sứ thần nên ngầm sai trang hoàng cung quán lịch sự, rồi cho viết hai chữ “kính thiên” treo ở giữa.

Sau đó, vua Minh lại cho bày đôi sập thất bảo rất cao, xung quanh bày nghi vệ sang trọng, như chỗ giường ngự của thiên tử để xem trạng có dám ngồi đó không? Khi sắp đến yến tiệc, họ đưa trạng và phó sứ dạo thăm cung điện rồi mới đưa đến đấy. Trạng bèn bảo phó sứ cùng ngồi lên sập thất bảo. Thấy vậy, một viên quan nhà Minh ra hạch rằng: "Cớ sao sứ lại vô lễ đến như vậy? Không trông lên trên kia xem, chỗ này là chỗ nào mà dám nhảy lên ngồi chễm chệ ở đấy?".

Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư bình thản trả lời: "Dám thưa, ngài lấy tội gì mà cho sứ thần là ngạo? Tôi thấy biển đề chữ 'kính thiên', chiết tự ra là 'kính dị nhân' (chữ thiên là trời, tách ra hai chữ dị nhân là hai người) thực hẳn là ý bản quốc muốn đem cái ngôi này mà hậu đãi sứ thần xa lại. Ngài dạy thế, chúng tôi quyết không chịu.

Vả nghe cổ nhân có nói: Đãi người phương xa cốt lấy bụng thực. Tôi nghe thánh triều lấy thành tín đãi người ngoại quốc. Thế mà, người phương xa tới lại đem cái bụng trí thuật làm oai. Tôi sợ người ta nghe tiếng, dẫu có lòng thực hướng mộ, cũng sinh nghi mà không lại nữa".

Viên quan nhà Minh thấy trạng nói như đã rõ ruột gan từ trước, vội vàng lạy tạ mà rằng: "Xin quý ngài xá lỗi! Nghĩ là buổi ban đầu, thử xem có phải bậc tài giỏi không thôi. Nhưng quý ngài quả là bậc thông minh, đã giỏi mà còn biết trước được như thế còn hề chi?".

Một lần, khi sang nước ta, sứ nhà Minh muốn đọ trí, so tài bèn xin với vua Lê cho mở hội đánh cờ. Vua Lê lo ngại nên cho mời "Trạng Lợn" đến để hỏi mẹo.

Trạng thưa: “Cứ phúc thư nhận lời, định ngày hội đấu. Hạ thần xin dâng người cao cờ. Người ấy họ Nguyễn, hiện giữ chức Thị lang”.

Đến ngày hội đấu, trạng xin đem bàn cờ đặt trong sân rồng để vua Lê đọ trí với sứ nhà Minh và ghé tai vua "Cứ thế, cứ thế", rồi đem lọng dùi thủng một lỗ, sai Thị lang đứng che lọng cho vua.

Đến lúc thi đấu, Thị lang xoay lọng, bóng nắng chiếu vào chỗ nào thời vua nhấc quân đi chỗ đấy. Quả nhiên, sứ nhà Minh bị chiếu dồn, không nước gỡ, phải bó gối, chịu thua.

Thua keo này bày keo khác, sứ nhà Minh bèn nghĩ mẹo, cho bào nhẵn cây gỗ, gốc ngọn bằng nhau, rồi sơn đen toàn thân cây đề ba chữ trắng vào cây gỗ rằng “Hồ bất thực”.

Hỏi quần thần, không ai đoán được. Hỏi Nguyễn Nghiêu Tư, ông ứng khẩu tức thì: "Hồ bất thực là cáo chẳng ăn. Cáo chẳng ăn thời cáo đói. Cáo đói thời cáo gầy. Cáo gầy là cây gạo! Không tin bổ cây gỗ mà xem".

Bổ ra quả là gỗ gạo. Thấy thế, sứ nhà Minh mồ hôi tuôn ra như tắm mà than rằng: "Người nước Nam tài giỏi như vậy, còn lấy trí thuật mà đấu thế nào được".

Ngày ấy, ở Trung Quốc hạn hán kéo dài, nhân có "Trạng Lợn" sang thăm, vua Minh mời trạng cầu đảo để thử tài. Trạng nhận lời, yêu cầu dựng đàn uy nghiêm để ông cầu đảo. Mục đích là kéo dài thời gian.

Khi thấy cỏ gà lang, trạng bèn lên đàn làm lễ, ông khấn theo cách nói lái: "Hường binh, hòa binh, tam tinh, kẹo tinh, bát tinh, linh tinh tinh...".

Vua Minh nghe thấy khiếp đảm, bái phục trạng uyên thâm, tỏ tường thiên văn, thuộc hết ngôi thứ các vị tinh tú trên trời. Khóa lễ vừa xong, lập tức mưa như trút nước, khiến vua Minh đã phục lại càng phục hơn.

Khi Nguyễn Nghiêu Tư về trí sĩ, vua thấy ông có công lớn với xã tắc, bèn gia phong “Thượng quốc công trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư”, mà dân gian quen gọi với hai tiếng thân thương “Trạng Lợn”, một người nổi tiếng hiếu học, ham hiểu biết, ứng đối thông minh, thể hiện lòng tự tôn dân tộc.

Sưu tầm từ Baomoi.com

      Đoàn Tử Quang (1818-1928), người làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn (nay thuộc xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là tấm gương hiếu học hiếm thấy trong lịch sử.

Theo sách Những tấm gương hiếu học, năm Thành Thái thứ 12 (1900), triều đình tổ chức khoa thi Hương tại Nghệ An. Chánh chủ khảo của kỳ thi là Khiếu Năng Tĩnh và Phó chủ khảo Mai Đắc Đôn thấy một cụ già râu tóc bạc phơ. Họ hỏi ra mới biết, đó là Đoàn Tử Quang, năm đó ông vừa tròn 82 tuổi.

Hai vị quan thấy lạ vì thí sinh 82 tuổi vẫn còn đi thi. Sau khi tìm hiểu gia cảnh của ông, họ mới biết Đoàn Tử Quang là con của bà Lê Thị Thậm. Chồng mất khi mới 17 tuổi, bà nhất quyết không đi bước nữa, ở lại nuôi con, sau đó được vua ban biển “tiết hạnh khả phong”.

Từ nhỏ, Đoàn Tử Quang được mẹ dạy bảo, khuyến khích học hành, để theo đuổi khoa cử, lập công danh với đời. Ông sáng dạ, học rất giỏi nhưng “thi phận”, mãi mới đỗ tú tài lần đầu vào năm 49 tuổi và lần hai năm 66 tuổi.

Chuyện kể rằng trước kỳ thi mấy tháng, chẳng may vợ ông mất. Hai con trai ông đều là sĩ tử, đã lọt qua các kỳ khảo hạch. Theo quy định khi ấy, mẹ mất, con phải để tang không được đi thi. Mẹ của Đoàn Tử Quang (98 tuổi) lo con cháu mình thông minh, học giỏi, nhưng vẫn chưa đỗ đạt cao, nay vì tang gia phải bỏ kỳ thi Hương thì đáng tiếc.

Bà khuyên Đoàn Tử Quang cố gắng bớt sầu não, thu xếp việc riêng tư để dự thi. Hàng xóm thấy vậy cũng xúm lại khuyên ông nên tham gia kỳ thi. Nhận được sự động viên của mọi người, ông quyết định thay hai con mang lều chõng đi thi.

Khi vào trường thi, quan trường thấy ông lớn tuổi, nhưng vẫn nuôi chí học hành nên ai cũng mến phục. Dù vậy, nhiều người ái ngại, phân vân, không biết “cụ thí sinh” có thi nổi không.

Chứng kiến chuyện lạ, chánh khảo Khiếu Năng Tĩnh đã viết bài ký “Nghệ trường giai sự” (việc đáng nói ở trường thi Nghệ An), mô tả kỹ quá trình đi thi của “lão thí sinh” Đoàn Tử Quang. “Ông lão vào, tôi rời khỏi ghế, cầm tay ông lão cùng đi mà rằng 'Đẹp làm sao! Thọ làm sao!'. Chí khí cao mà kiên định vậy! 'Xin hỏi mắt cụ có bị mờ không?'. Ông lão trả lời 'có bị mờ'. Tôi lại hỏi: 'Chân gối cụ có bị mỏi không?'. Ông lão đáp: 'Còn có thể đi bộ, chạy, lễ, bái, đưa, đón được'.

Ông lão mang ống quyển vào, xét số, hạ lều, xong ngồi ngay ngắn ở giữa chiếu của mình. Trời về chiều, vài ba chục thí sinh nộp bài, ông lão vai mang ống quyển, tay kéo xe lều chõng lọc cọc, cùng các thí sinh kẻ trước người sau ra về...", quan chánh khảo viết.

Qua 4 kỳ thi, bài của ông chỉ xếp sau Phan Bội Châu, nhưng phạm một sơ suất nhỏ trong quy định ngặt nghèo của trường thi thời đó nên ông bị đánh hỏng. Song vì bài làm xuất sắc và cũng bởi cảm phục ý chí bền bỉ hiếm có xưa nay, chánh chủ khảo cùng các quan trường đã thảo tấu xin triều đình ban cho ông đỗ. Nhờ đó, ông được lấy đỗ song chỉ xếp thứ 29/30 người trúng tuyển khoa thi này.

Ngày được xướng danh bảng vàng, trong bữa tiệc, khi các quan hỏi về gia thế, ý chí học hành hiếm có của mình, Đoàn Tử Quang đã trả lời rằng: “Sở dĩ tôi có được hôm nay là nhờ công dạy dỗ, khuyên bảo của mẹ già tôi cả”.

Sau khi thi đỗ, Đoàn Tử Quang được bổ nhiệm là Huấn đạo ở Hương Sơn. Đây cũng là điều khác thường, bởi theo quy định thời đó, thường đến tuổi 65, các quan sẽ nghỉ hưu, nhưng Đoàn Tử Quang tới 82 tuổi vẫn được bổ nhiệm. Đây chính là cách triều đình ưu ái để ca ngợi tấm gương hiếu học của ông.

Sau khi làm quan được 3 năm, ông lại xin cáo quan về chăm sóc mẹ già 100 tuổi. Ông mất năm 1928, thọ 110 tuổi.

Đoàn Tử Quang có lẽ là trí thức duy nhất lúc bấy giờ trải qua tất cả 13 đời vua Nguyễn. Nghị lực học tập suốt đời, không kể tuổi tác của ông mãi là tấm gương sáng để hậu thế noi theo.

Sưu tầm từ Zing.vn

      Bằng lòng hiếu học hiếm có, Nguyễn Khuyến vượt qua nghịch cảnh của cậu học trò nghèo để đỗ đầu cả 3 kỳ thi. Nguyễn Khuyến (1835-1909) tên thật Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễn Chi. Ông sinh tại quê ngoại ở làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, nay là huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Nguyễn Thắng rất hiếu học. Có lần, thấy con vừa nhảy lò cò bên chõng tre, vừa thỏ thẻ đọc một bài trong Kinh Thi, ông Đồ Huy (Nguyễn Tông Khởi) ngạc nhiên lắm, gọi Thắng lại hỏi: "Con đọc cái gì thế? Giảng nghĩa cha xem nào?".

Thắng thưa: "Đấy là bài học trong kinh thi, cha dạy mấy anh học mà".

Thầy Huy vừa thích thú, vừa cảm động bảo: “Con học lỏm mà nhớ như vậy là tốt. Từ mai, cha cho con một tập giấy, một cái bút mà viết, không phải viết bằng gạch non nữa”.

Từ đó, Thắng cặm cụi tập viết. Cậu bé học đến quên ăn, quên mọi việc diễn ra xung quanh. Một ngày, Thắng có thể đọc thuộc mấy chục trang. Ông đồ mừng lắm, cho cậu bé vào học cùng các bạn trong lớp.

Do cảnh nhà thanh bần, chẳng có nổi đèn để học, cậu phải noi theo gương người xưa. Những đêm trăng tỏ, Thắng đọc sách dưới ánh trăng. Những hôm trăng mờ, cậu mang sách ra bờ ao, nghiêng theo ánh sáng phản chiếu mà học. Vậy, những đêm không trăng thì sao?

Một chiều đi mua giấy về, Nguyễn Thắng ngồi nghỉ ở góc cây cổ thụ dưới miếu đầu thôn. Thấy lá vàng trên cây rơi lả tả, cậu liền nghĩ ra cách đốt lá làm đèn học.

Từ đêm đó, những khi không có trăng sao, Nguyễn Thắng mang sách ra miếu đốt lá học. Sau đó, cậu còn rủ nhiều bạn cùng học với mình.

Thấy con chăm chỉ, chữ nghĩa thông tuệ, thầy đồ Huy bèn gửi cho người bạn dạy, xem thử trí tuệ con trai thực sự ra sao.

Tương truyền, khi mới vào học, thấy Thắng nhỏ tuổi, nhiều bạn trong lớp tỏ vẻ coi thường. Nhưng rồi bằng trí tuệ, Thắng đã khiến các bạn phải tâm phục, kiêng nể.

Năm Quý Sửu (1853), biến cố bất ngờ ập xuống gia đình Nguyễn Thắng, khi cha ông bị bệnh qua đời. Cảnh nhà vốn khó khăn, nay lại thêm tiêu điều, xơ xác.

Nguyễn Thắng bấy giờ đã trưởng thành, đổi tên thành Nguyễn Khuyến, phiêu bạt nay đây mai đó. Ông vừa đèn sách tự học, vừa đi dạy để đỡ đần gia đình.

Sách Tấm gương hiếu học có ghi chuyện Nguyễn Thắng đổi tên thành Nguyễn Khuyến.

Sau khi thi Hội lần đầu không đỗ, ông ngồi nghĩ về cảnh buồn phiền của cuộc đời mình. Do cảnh nhà túng quẫn, ông phải chạy vạy, lo toan cuộc sống qua ngày nên không có thời gian tập trung học tập.

Nghĩ vậy, Nguyễn Thắng viết đi viết lại tên mình. Chàng lẩm bẩm một mình: “À, chữ Thắng tên mình có chữ lực. Chữ lực nhỏ gọi là tiểu lực. Nỗ lực chưa cao thì làm sao đỗ đạt.

Nguyễn Thắng soát lại trong đầu xem chữ nào có lực lớn và cuối cùng chàng dừng lại ở chữ Khuyến và thầm nghĩ đổi tên thành Nguyễn Khuyến và phải nỗ lực học tập cho đến khi đỗ đạt cao mới thôi”.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi, năm 1864, Nguyễn Khuyến thi Hương đỗ giải nguyên; năm 1871 thi Hội đỗ hội nguyên và thi Đình đỗ Đình nguyên. Cả 3 lần đi thi, ông đỗ đầu, được gọi là “Tam nguyên Yên Đổ”.

Câu chuyện cảm động kể rằng khi nghe tin Nguyễn Khuyến đỗ cao, bạn bè bàn nhau buộc ông phải khao to. Tất cả cùng đi tìm Nguyễn Khuyến. Họ đến những nhà trọ đắt tiền nhưng chẳng ai thấy Nguyễn Khuyến đâu cả.

Mãi sau, khi đến quán trọ bình dân ở xa trường thi, mọi người rất bất ngờ khi thấy Nguyễn Khuyến đang gối đầu lên ống quyển, mình trùm một chiếc áo dài nâu bạc, nằm trên chõng tre, ngủ ngon lành gần bếp nhà trọ.

Người bạn thân Dương Khuê vừa lay, vừa dựng đồ Khuyến dậy và nói: “Cậu đỗ thủ khoa rồi, sao lại nằm đây?”.

Nguyễn Khuyến nở nụ cười hiền lành, thật thà nói: “Ít tiền quá, mình có dám thuê chỗ ngủ đâu, chỉ dám xin chủ nhà cho nằm ngủ nhờ dưới bếp”.

Bạn bè nghe xong, ai cũng xót thương, không còn ý bắt Nguyễn Khuyến khao nữa.

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Khuyến được bổ nhiệm làm quan. Lúc này, thực dân Pháp đang mở rộng đánh chiếm nước ta, triều đình nhà Nguyễn từng bước đầu hàng, dâng nước cho giặc. Trước thực trạng đau lòng đó, Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn.

Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, chúng tìm mọi cách mua chuộc ông ra làm quan để làm “tay sai”, nhưng Nguyễn Khuyến tìm mọi cách từ chối.

Sưu tầm từ Zing.vn

      Lê Quí Đôn thuở nhỏ thông minh khác thường, mới 2 tuổi đã nhận biết được 2 chữ "hữu, vô". Lên 5 tuổi bắt đầu học Kinh Thư, học đâu nhớ đấy chỉ một lần là thuộc, lên 6 tuổi biết làm thơ văn.

Năm ông 7, 8 tuổi, một hôm có quan Thượng tìm đến thăm cha ông là Trung Hiếu Công Lê Phú Thứ, nhân gặp một đứa trẻ nên hỏi thăm đường. Lúc đó Lê Quí Đôn đang tắm truồng bèn giang hai tay, hai chân ra đố quan Thượng nếu biết được là chữ gì thì sẽ dẫn đường. Quan Thượng thấy đứa trẻ hỗn xược không thèm trả lời. Lê Quí Đôn cười ầm lên chê là chữ "Thái" dễ thế mà không biết. Quan Thượng lúc vào nhà mới biết thằng nhỏ là con bạn mình, muốn thử tài bèn cho gọi ông lên mắng cho một trận rồi bắt phải làm một bài thơ tự trách mình trong đó mỗi câu đều phải có tên một thứ rắn, làm không làm được sẽ bị đánh đòn vì tội hỗn láo. Ông ứng khẩu làm bài thơ nôm "Rắn Đầu Biếng Học":

Chẳng phải liu điu cũng giống nhà

Rắn đầu biếng học chẳng ai tha

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ

Nay thét mai gầm rát cổ cha

Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối

Lằn lưng cam chịu tiếng roi tra

Từ nay Châu, Lỗ chăm nghề học

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia

Một hôm Lê Quí Đôn đến chơi nhà Lý Trưởng thấy trên bàn có quyển sổ biên tên những người thiếu thuế. Ông mở ra coi thấy người thì thiếu năm bảy đấu thóc, người thì vài quan tiền. Ít lâu sau nhà Lý Trưởng bị cháy ra tro, quyển sổ thiếu thuế cũng bị thiêu hủy. Khi gặp ông, người Lý Trưởng than không biết tra cứu vào đâu để đòi tiền. Ông bèn đọc lại từ đầu đến cuối cho chép lại. Người Lý Trưởng chưa dám quyết nhưng đến khi chiếu theo sổ đi thu các món nợ thì đúng cả, không ai than phiền khiếu nại gì, lúc đó mới tin.

Trong dịp đi dạo phố ở kinh đô Thăng Long với bạn, nhân gặp một đám ma đi ngang, người bạn đố ông làm câu đối khóc người không quen. Ông ứng khẩu đọc ngay:

Thấy xe thiên cổ xịch đưa ra, không thân thích lẽ đâu mà khóc mướn ?

Tưởng sự bách niên dừng nghĩ lại, não can tràng cho nên phải thương vay !

Khi Lê Quí Đôn được cử đi sứ Trung Hoa một danh sĩ Tàu nghe tiếng anh tài nước Nam nên muốn thử. Một hôm mời ông đi vãn cảnh chùa xem văn bia. Chùa này ở cạnh bờ sông buổi chiều nước dâng lên ngập cả bia. Khi ông mới xem xong thì nước thủy triều đã dâng lên phủ lấp không còn thấy bia nữa. Khi về vị danh sĩ Tàu hỏi ông về bài văn bia, ông đọc lại nguyên văn không thiếu một chữ.

 Sưu tầm từ Zing.vn

      Mạc Đĩnh Chi không chỉ là trạng nguyên của Đại Việt mà còn được phong làm "Lưỡng quốc Trạng nguyên" (Trung Hoa và Đại Việt) khi sang sứ Trung Hoa thời nhà Nguyên.

Ông là người Hải Dương. Từ nhỏ đã mồ côi cha, nhà nghèo, hai mẹ con phải đi vào rừng sâu hái củi để kiếm sống hàng ngày. Mẹ ông chịu thương chịu khó dành dụm tiền mong con đi học lấy cái chữ. Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi càng ra sức học tập.

Ông chăm chỉ đọc sách, nghiền ngẫm nội dung, kể cả những lúc gánh củi đi bán. Không có sách học, thì mượn thầy mượn bạn. Không có tiền mua nến để đọc sách, thì Mạc Đĩnh Chi đốt củi, hết củi thỉ lấy lá rừng đốt lên để học.

Với nghị lực phi thường như vậy, chẳng bao lâu Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng là thần đồng nho học. Khoa thi Giáp Thìn (1304), thi hội, Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên, thi Đình, ông đỗ Trạng nguyên.

Sưu tầm từ Zing.vn

      Trạng nguyên Nguyễn Hiền quê ở Nam Định. Ông cũng là người có hoàn cảnh đặc biệt: cha mất sớm, sống với mẹ trong căn nhà nhỏ bên cạnh một ngôi chùa.

Vị sư trụ trì của chùa vốn là một danh Nho, vừa tụng kinh niệm phật vừa dạy học cho những trẻ chưa biết chữ trong làng.

Ngay từ thời thơ ấu, Nguyễn Hiền đã lân la ở bên các lớp học, sớm tiếp xúc với chữ nghĩa sách vở.

Năng khiếu kỳ lạ về học tập, về trí thông minh của ông đã nhanh chóng được bộc lộ: dù chưa đến tuổi đi học, Nguyễn Hiền đã hiểu biết nhiều, giỏi đối đáp, học thức hơn người… Ông được suy tôn làm “Thần đồng xuất chúng”.

Năm 1247, khi vừa tròn 12 tuổi (tính theo tuổi ta là 13), Nguyễn Hiền đã thi đậu Trạng Nguyên, trở thành vị Trạng Nguyên trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam.

Sưu tầm từ Zing.vn

      Ngày nhỏ, tôi đã đọc, nghe câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, một tấm gương mà bao thế hệ học trò, thầy cô đều luôn nhắc đến như một tấm gương đáng cho chúng ta học tập. Dù bị liệt hai tay, thầy vẫn dùng chân viết, từ những ngày đầu còn cứng, khó viết cho đến lúc hai chân đã trở nên thành thạo, đến khi thầy trở thành thầy giáo, rồi nhà văn. Một tấm gương sáng mà mỗi chúng ta ai cũng khâm phục vì ý chí kiên cường và tinh thần giàu nghị lực ấy. Những người quanh ta, ai cũng có một thứ quý giá mà chúng ta có thể học tập được. Tôi có một người bạn, cậu nổi tiếng khắp cả nước vì nằm trong top những học sinh thi điểm  đại học cao nhất năm đó. Điều đáng nói là chân cậu bị tật, đi không vững, thêm vào ấy hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nhà đông anh em, người cha là kẻ nát rượu, chỉ có người mẹ nuôi cậu cùng các em khôn lớn. Nghe cậu kể lúc nhỏ, cậu bị một cơn sốt lạ khiến chân cậu trở nên như bây giờ. Ngày nhỏ, cậu học không quá xuất sắc, cho đến khi bước vào cấp ba, cậu bỗng nhiên nổi toàn trường vì thành tích học tâp khủng của mình. Ở cậu, tôi nhận thấy mình có nhiều điều để học tập. Hôm nào học một buổi, buổi còn lại câu đi chăn trâu, trên tay lúc nào cũng cầm theo cuốn tập hay cuốn sách vừa thả trâu, vừa học bài. Trên mương, cậu núp mình dưới bóng tre ngồi say sưa đọc sách. Tôi hay trò truyện với cậu, ở cậu toát ra một nguồn năng lượng tích cực dồi dào mà tôi không thể giải thích nổi. Cậu nói tôi nghe về ước mơ của cậu, về ước mơ trở thành một bác sĩ đa khoa, có thể giúp đỡ những bệnh nhân gặp hoàn cảnh như cậu. Cậu biết căn bệnh của cậu có thể chữa được nếu lúc ấy nhà cậu có thể lo chữa trị tử tế. Thế nhưng, lực bất tòng tâm, ngôi nhà cũ kỹ đến bữa ăn còn lo nghĩ từng bữa thì lấy đâu ra tiền chạy chữa cho cậu. Cậu bạn không còn buồn khi nghĩ đến cái chân tật nguyền của mình. Cậu chỉ xem nó là một phần của cuộc đời mình, nhờ nó cậu trở nên mạnh mẽ hơn. Cậu cho tôi biết rằng không phải khi nào tồn tại đường cùng cả, chỉ cần chúng ta cố gắng thì sẽ luôn có lối thoát và cậu đang cố gắng vì gia đình mình. Ở lớp, cậu luôn giúp đỡ bạn bè, những lúc gặp bài toán hóc búa, cậu không dễ gì bỏ cuộc, vẫn quyết tâm tìm lời giải đến cùng. Thầy cô luôn tự hào về cậu, tật nguyền nhưng không phế. Bạn bè chúng tôi quý mến cậu, vì cậu luôn sống chan hòa với mọi người, giỏi nhưng không kiêu căng. Chính vì thế, cậu trở thành niềm tự hào của cả ngôi trường chúng tôi, cả thầy cô lẫn học trò chúng tôi đều tự hào khi cậu đạt được thành tích trong kỳ thi tuyển đại học. Đó là những trái ngọt đầu tiên trong cuộc đời. Tôi không biết sau này cậu sẽ như thế nào, nhưng tôi tin rằng, với một người vừa có tài, vừa có tâm có đức như cậu, câu sẽ gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống. Cuộc sống muôn màu vạn dạng, mỗi người sinh ra đều là một điều kỳ diệu của cuộc sống. Ai cũng là những đóa hoa, ngát hương lan tỏa giữa đời thường. Những bông hoa ấy tô điểm cho cuộc đời, cuộc đời cũng vì thê mà trở nên tươi đẹp và rực rỡ nhiều sắc màu hơn. P.Vy